Thursday, April 25, 2024

Việt Nam: Ða số phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục

HÀ NỘI (NV) Ða số phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục nơi công cộng tại Việt Nam, theo một cuộc hội thảo về “Chính sách tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo lực tình dục.”


Hôm Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015, cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) phối hợp cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với nhà cầm quyền CSVN tổ chức tại Hà Nội cuộc hội thảo nói trên.








Một bảng tuyên truyền bảo vệ trẻ em ở Vũng Tàu, Việt Nam. (Hình: Getty Images)


Ðây là một loạt hai cuộc hội thảo mà các tổ chức trên của LHQ tổ chức trong chiến dịch cổ võ “Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” nhằm thúc hối chế độ Hà Nội phải có biện pháp pháp lý hữu hiệu hơn để bảo vệ phẩm giá cho giới phụ nữ.


Theo các con số được nêu ra trong các cuộc hội thảo, tại Việt Nam, khoảng 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Gần 30% gái mại dâm từng là nạn nhân của những trò bạo hành tình dục và 22% bị cưỡng ép tình dục. Khoảng 10% phụ nữ bị chồng bạo hành tình dục.


Theo các thống kê dựa trên các cuộc thăm dò phỏng vấn, 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thứ bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời; khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực họ phải chịu đựng.


Bà Pratibha Mehta – Ðiều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, phát biểu trong cuộc hội thảo ngày 24 tháng 11, 2015 vừa qua tại Hà Nội cho rằng, có tới 87% nạn nhân bạo hành gia đình không tìm sự giúp đỡ vì tại Việt Nam thiếu các dịch vụ xã hội có sẵn. Nhiều người sợ hãi không lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và quấy rối nhiều hơn. Khảo sát chỉ ở những phụ nữ kết hôn, song có một thực tế cũng đã được nghiên cứu là nhiều phụ nữ trẻ và chưa kết hôn cũng bị bạo lực và quấy rối tình dục.


Chuyện phụ nữ, trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng tại Việt Nam từng có những dịp được báo chí ồn ào loan tin từ Sài Gòn tới Hà Nội mấy năm gần đây. Có nhiều câu chuyện đi chuyến xe buýt đông người thì bị quấy rối tình dục, được kể lại.


Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội, hồi giữa tháng 12, 2014 loan báo, “Yêu cầu, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và các em gái…” Tuy nhiên, sau đó, kết quả ra sao, không ai biết.


Bộ luật lao động mới của Việt Nam tuy có quy định: “Nghiêm cấm quấy rối tình dục công sở, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị quấy rối tình dục…” nhưng luật này lại chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục bởi lẽ sự quấy rối không chỉ xảy ra ở cơ quan, nơi làm việc mà còn ở nhiều môi trường khác nhau. (TN)

MỚI CẬP NHẬT