Friday, May 17, 2024

ASEAN kêu gọi kiềm chế trên Biển Đông

NHA TRANG, Việt Nam (NV) – Các nước thành viên ASEAN kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông “kiềm chế các hoạt động” và “tránh làm phức tạp thêm tình hình.”

Trong một bản thông cáo báo chí gồm 19 điểm, hội nghị cấp ngoại trưởng của 10 nước ASEAN họp tại Nha Trang vào hai ngày 16 và 17 Tháng Giêng, 2020, tổ chức ASEAN nói.

“Chúng tôi trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó quan ngại đã được bày tỏ về hoạt động tôn tạo bồi đắp, những diễn biến gần đây và các sự cố nghiêm trọng, đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.”

Năm nay, Việt Nam là chủ tịch luân phiên Hiệp Hội 10 nước Đông Nam Á. Một số nhà phân tích thời sự chính trị khu vực cho rằng Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội này để vận động các nước khác liên kết với nhau hầu chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Người ta thấy nổi bật trong bản thông cáo báo chí 19 điểm nói trên là vấn đề Biển Đông được chú trọng đặc biệt. Dù không nêu đích danh, nhưng lời lẽ của hai điểm 14 và 15 của bản thông cáo báo chí cho người ta hiểu là nhắm vào Bắc Kinh, tuy lên án nhưng bằng những lời lẽ nhẹ nhàng kiểu “nói dỗi.”

Bản thông cáo báo chí viết: “Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy, tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.”

Các nước ASEAN qua bản thông cáo báo chí “tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là cơ sở để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng đối với các vùng biển. Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là khung pháp lý cơ bản cho các vùng biển và phải được tất cả các quốc gia tôn trọng.”

Từ đó ASEAN “nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động bởi các bên có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm các hoạt động được đề cập đến trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.”

Hiện các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (Code of Conducts) vốn được kêu gọi tiến hành đàm phán gần hai chục năm qua, đến nay mới chỉ thỏa thuận được cái khung đàm phán. Các chi tiết điều khoản thỏa thuận thì vẫn còn đang cù cưa mà mấu chốt vẫn là có hay không có sự ràng buộc pháp lý.

Hà Nội muốn cột sự ràng buộc pháp lý vào thỏa hiệp trong khi Bắc Kinh chống lại với sự toa rập của một số nước mà họ đã mua chuộc được bằng viện trợ kinh tế, quân sự.

Những ngày cuối năm 2019, người ta thấy Indonesia đưa cả chiến hạm và chiến đấu cơ tới áp lực đuổi nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của họ quanh quần đảo Natuna. Trước đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Trung Quốc cũng xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia đồng thời với các hoạt động xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một số nhà phân tích đặt nghi vấn không rõ các nước đó có liên kết với Hà Nội chống lại Bắc Kinh hay không.

Mấy năm gần đây, Bắc Kinh áp lực Hà Nội phải từ bỏ các cuộc khảo sát, dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình, lấy cớ có cái chủ quyền “Lưỡi bò” ngang ngược.

Các ngoại trưởng ASEAN họp tại Nha Trang ngày 17 Tháng Giêng, 2020. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Tướng Phạm Trường Long, phó quân ủy trung ương Trung Quốc hồi năm 2017 từng đến Hà Nội đe dọa nếu Việt Nam không hủy bỏ dò tìm dầu khí tại lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi) và lô 136-3 (Đông Nam Vũng Tàu 200 hải lý) thì sẽ xua quân đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau vụ đối đầu căng thẳng với đám tàu Trung Quốc kéo dài từ đầu Tháng Bảy đến Tháng Mười, 2019 ở khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội đã nhiều lần lên án Bắc Kinh ngang ngược trên Biển Đông. Tuy vậy, cũng chỉ dám ám chỉ chứ không nêu đích danh Trung Quốc.

Hồi Tháng Mười Một, 2019, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung bắn tiếng không chính thức trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội rằng Việt Nam có thể tính tới chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng.

Đồng thời, hành động của Trung Quốc cũng thúc đẩy Indonesia nghiêng về phía lập trường của Việt Nam, kêu gọi phải có một bộ COC ràng buộc pháp lý để tránh sự ngang ngược cậy sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Nếu cả Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cùng một lập trường và cương quyết chống hành vi Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh không muốn bị cộng đồng ASEAN liên kết chống lại mình nên đã nhiều lần mua chuộc một số nước để chia rẽ khối này.

Cambodia là thành viên ASEAN được Bắc Kinh tận dụng cho mưu đồ vừa kể.

Philippines từng quyết liệt chống Bắc Kinh thời tổng thống trước, nhưng khi ông Duterte lên cầm quyền từ 2016 thì đổi chiều ve vãn Bắc Kinh lấy viện trợ và đầu tư kinh tế. Không những vậy, còn bắn tiếng muốn xé Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines) ký từ năm 1951. (TN)

MỚI CẬP NHẬT