Monday, May 13, 2024

Trung Quốc tuyên bố ‘chính sách về Biển Đông không thay đổi’

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói rằng, chính sách của nhà cầm quyền nước này đối với (tranh chấp chủ quyền) Biển Đông trước sau không thay đổi.

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 28 Tháng Bảy, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Wang Wenbin (Uông Văn Bân) được Tân Hoa Xã thuật lời rằng: “Chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông không thay đổi.”

Uông Văn Bân còn nói thêm: “Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh là giải quyêt tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng qua đàm phán dựa trên luật lệ quốc tế và bằng chứng lịch sử.”

Ông này dối trá khi khoe rằng: “Chúng tôi (Trung Quốc) luôn luôn tuân thủ theo bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC) và sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) hầu đạt được sớm một bộ quy tắc.”

Lời Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 28 Tháng Bảy trả lời cho câu hỏi của báo chí muốn nghe bình luận về lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo phủ nhận chủ quyền Biển Đông theo hình “lưỡi bò” của Bắc Kinh.

Ông ta cũng chỉ lập lại lời phát biểu của Ngoại Trưởng Vương Nghị đã nói với Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh một tuần lễ trước.

Tân Hoa Xã ngày 22 Tháng Bảy thuật lời Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đối đáp với Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh trong “Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc” là “nói về vấn đề Biển Đông, Vương Nghị nói chính sách của Trung Quốc vẫn không thay đổi.”|

Tức là Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố chủ quyền theo những cái vạch “lưỡi bò” chiếm gần 90% Biển Đông. Trong đó, trùm luôn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa nay Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “với các bằng chứng lịch sử và thực tế không thể tranh cãi.”

Bản đồ Biển Đông với 9 vạch nối lại giống hình “lưỡi bò” mà Trung Cộng ngang ngược tuyên bố chủ quyền. (Hình: AMTI)

Cả Uông Văn Bân và Vương Nghị đều nói các bên đều nên tuân theo những cam kết đã ký trong bản DOC từ 18 năm trước kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp kềm chế, giữ nguyên trạng, không lấn tới trong khi đàm phán cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) hầu tránh xung đột võ trang.

Chính Bắc Kinh đã cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía Nam, từ năm 2014, ngang nhiên bồi đắp 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, rồi xây dựng thành 7 căn cứ quân sự khổng lồ, gồm cả cảng biển và phi đạo cho những loại máy bay quân sự lớn nhất lên xuống.

Không những vậy, các đảo tại quần đảo Hoàng Sa cướp của Việt Nam từ năm 1974 cũng được cơi nới mở rộng thêm và xây dựng những căn cứ quân sự quy mô, trang bị tối tân.

Uông Văn Bân cũng như Vương Nghị nói rằng chính sách của Bắc Kinh không thay đổi, tức là không công nhận phát quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế ngày 14 Tháng Bảy, 2016, xác định tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” của Trung Quốc là vô giá trị. Vậy mà ông ta lại còn nói là “giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước láng diềng qua đàm phán dựa trên luật lệ quốc tế.”

Khi họp với ông Phạm Bình Minh một tuần trước, đài truyền hình CGTN của Bắc Kinh thuật lời Vương Nghị dỗ ngọt Việt Nam rằng “Biển Đông là ngôi nhà chung của cả Trung Quốc và ASEAN.” Nhưng khi Hà Nội khai thác dầu khí trên vùng biển thềm lục địa đặc quyền kinh tế của mình thì bị Bắc Kinh cản trở, thậm chí còn dọa đánh chiếm các vị trí đang trấn giữ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Khi Uông Văn Bân họp báo ở Bắc Kinh thì Hải Quân Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật ầm ầm ở phía Tây bán đảo Lôi Châu trong vịnh Bắc bộ, đối diện với các tình ven biển phía Bắc của Việt Nam. Cuộc tập trận quy mô kéo dài từ ngày 25 Tháng Bảy và còn kéo tới ngày 2 Tháng Tám mới dứt.

Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lời ông Phạm Bình Minh nói với Vương Nghị trong cuộc họp kể trên là “quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Nhưng Bắc Kinh thì không đếm xỉa đến “quan ngại” hay “lợi ích hợp pháp” của Hà Nội. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT