Friday, April 26, 2024

Trung Quốc nói Việt Nam tiếp tục bồi đắp thêm 120 ha ở Trường Sa

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Bắc Kinh nói rằng Hà Nội vẫn tiếp tục cơi nới bồi đắp thêm ở một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thời gian gần đây.

Tổ chức SCSPI (South China Sea Probing Initiative – Sáng Kiến Thăm Dò Biển Đông), một bộ phận ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Bắc Kinh cuối tuần qua đưa ra một số hình ảnh vệ tinh để nói rằng Việt Nam đã bồi đắp thêm 120 ha tại năm đảo và bãi đá ở Trường Sa.

Đảo Nam Yết mở rộng gần đây. (Hình: AMTI/Maxar)

SCSPI đếm thấy Việt Nam đã bồi đắp thêm 40 ha ở đảo Phan Vinh (Pearson Reef), 37 ha ở đảo Nam Yết (Namyit Island), 19 ha ở bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), 12 ha ở đảo Sơn Ca, và 12 ha ở đá Tiên Nữ (Tennent Reef).

Tổ chức trên chỉ nêu ra địa điểm và diện tích bồi đắp thêm, rất vắn tắt, kể từ Tháng Ba 2022 đến nay, mà không kèm theo lời bình luận hay phân tích gì cho ra vẻ người đi đường “khách quan” thấy sao nói vậy. Thật ra, SCSPI bắn tiếng cho biết Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ tất cả các hoạt động của “đồng chí anh em” tại Biển Đông.

Trong một ghi nhận tương tự, Tháng Mười Hai cuối năm ngoái, SCSPI đưa tin kèm theo một số hình ảnh do vệ tinh chụp để chứng minh cho các hoạt động mà phía Việt Nam đang làm ở khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Philippines.

Đảo Nam Yết chưa mở rộng. (Hình: Wikipedia)

Ngày 9 Tháng Mười Hai, 2021, trang Twitter của SCSPI cho biết “xây dựng đang tiến hành tại đảo Nam Yết do phía Việt Nam trấn đóng. Một cảng biển mới đang được dự trù xây dựng.”

Ngày 8 Tháng Mười Hai, SCSPI viết: “Việt Nam bồi đắp tại đảo Sơn Ca thuộc Biển Đông đang tranh chấp, thấy khác nhau từng tuần lễ.” Thời gian này, không thấy họ đề cập gì về diện tích cơi nới thêm.

Đến ngày 15 Tháng Ba, 2022, SCSPI viết trên Twitter là Việt Nam đã bồi đắp 37 mẫu đất và còn tiếp diễn. Hình ảnh chụp từ vệ tinh thấy Việt Nam đang bồi đắp rất nhanh tại đá Tiên Nữ (tên quốc tế là Tennent Reef).

Đây là thực thể thứ bảy mà Việt Nam đang bồi đắp ở Trường Sa, không kể những thực thể khác đã bồi đắp từ giữa năm 2021 từng được báo động cuối năm ngoái như tại đảo Sơn Ca (Sand Cay), đảo Sinh Tồn (SinCowe Island), đảo Nam Yết (Namyit Island), đảo Phan Vinh (Pearson Reef), Đá Tây (West Reef), và đá Thuyền Chài (Barque Canada Reef).

Đảo Phan Vinh mở rộng mới đây. (Hình: AMTI/Maxar)

Nhưng theo tổ chức AMTI (Asia Maritime Trasparancy Initiative) của Mỹ thì Việt Nam bắt đầu nạo hút cát, cơi nới từ Tháng Mười, 2021, tại ba thực thể là Phan Vinh, Nam Yết và Sơn Ca. Khoảng 50 mẫu đất (acres) được bồi đắp thêm tại mỗi đảo Phan Vinh và Nam Yết trong khi chỉ bồi đắp thêm 7 mẫu tại Sơn Ca.

Theo AMTI, Việt Nam có vẻ nạo vét những bến tàu khiêm tốn tại mỗi cơ sở với lối ra vào xuyên qua các rạn san hô hầu nối với biển sâu phía ngoài. Đây là cách cải tiến mà Việt Nam đã làm tại tất cả các vị trí họ trấn giữ trong thời gian qua.

Đảo Phan Vinh chưa mở rộng. (Hình: Wikipedia)

Cách bồi đắp cơi nới của Việt Nam tốn nhiều thời giờ và rất chậm chạp khác với cách của Trung Quốc. Theo AMTI, phía Việt Nam dùng các gàu bốc xúc (clamshell dredgers) của cần trục xúc cát dưới lòng biển rồi đổ vào chỗ nào muốn bồi đắp. Trung Quốc thì cho nhiều tàu lớn có các máy cắt và hút để bồi đắp nên nhiều và nhanh thành đảo nhân tạo.

Gần đây, ngày 8 Tháng Bảy, AMTI có một bài viết nói không riêng gì phía Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Malaysia là những nước chiếm giữ các thực thể trên Biển Đông đều có các hành động cơi nới, mở rộng tại cả Trường Sa và Hoàng Sa.

Những gì mà phía Việt Nam làm thì quá nhỏ bé so với những gì Trung Quốc đã và đang làm. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT