Saturday, May 18, 2024

‘Bánh tiêu bạch tuộc’ có một không hai tại Sài Gòn

Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bánh tiêu, món ăn bình dân, từ nhiều năm đã phổ biến khắp các tỉnh thành tại Việt Nam với dạng tròn trĩnh. Nay ở Sài Gòn xuất hiện bánh tiêu có hình dạng bạch tuộc và bàn tay năm ngón.

Điều đặc biệt ở loại bánh tiêu này là có thể để lâu vài ngày vẫn ăn được, không bị hư. Hàng bánh tiêu độc đáo này đặt kế bên trường tiểu học Hồ Thị Kỷ, số 107 Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10.

Chủ hàng bánh tiêu tươi cười nói: “Khách hàng của tui đa số là học sinh nhỏ tuổi, ưa thích những cái chi thấy vui mắt, lạ lẫm, nên tui đã chế ra bánh tiêu có hình dạng bạch tuộc và bàn tay năm ngón, cùng thứ bánh tiêu tròn như thông thường. Hàng bánh tiêu này từ lúc đó có tên là ‘bánh tiêu bạch tuộc,’ hổng biết ai đặt tên, nghe nhiều người cùng kêu như thế.”

Không riêng gì các em học sinh, khách hàng mua bánh tiêu tại hàng “bánh tiêu bạch tuộc” khá đông, có người mua hàng chục cái mang về. Anh Ngạc, giáo viên trường tiểu học Hồ Thị Kỷ, bày tỏ: “Ăn không hết, để mai ăn tiếp tục, vẫn thơm ngon như bánh chiên vừa nguội mà thôi. Có thể ăn no bụng mà không ngán, bởi bánh tiêu này giòn ngon hơn hẳn bánh tiêu các nơi khác. Bánh tiêu giòn tới lúc ăn hết cái bánh mà không bị mềm ỉu.”

Chúng tôi gọi hai chiếc bánh tiêu có hình dạng bạch tuộc và bàn tay năm ngón. Ngoài hình dạng đẹp mắt, lớp mè phủ nhiều, đều khắp ngoài vỏ bánh tiêu, nhất là bánh khá giòn cho tới lúc khách ăn hết chiếc bánh. Quan sát chủ nhân chế biến bánh tiêu, sẽ hiểu vì sao bánh tiêu tại đây lại đặc biệt thơm giòn, có một không hai tại Sài Gòn.

“Bánh tiêu bạch tuộc” và bánh tiêu bàn tay năm ngón. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Anh Ngạc nói với khách đang chờ những chiếc bánh tiêu chín vàng trên chảo dầu: “Các anh chị nhìn phần bột để làm bánh tiêu, đều đã được cô chủ nhào nắn nêm nếm sẵn sàng, chỉ việc lấy ra để xắt và chiên khi có khách tới mua. Chiên bánh tiêu, dầu trong chảo ngập những chiếc bánh. Riêng những chiếc ‘bánh tiêu bạch tuộc,’ lớp bột được dàn mỏng hơn chiếc bánh tiêu thông thường, do vậy bánh tiêu sẽ giòn rụm lâu hơn hẳn bánh tiêu ở các nơi khác.”

Chủ nhân hàng bánh tiêu giải thích rõ về độ giòn lâu của những chiếc bánh tiêu: “Hổng giấu chi các anh chị, bánh tiêu tại đây giòn lâu bởi vì khi làm bánh, ở phần bột bánh, tui có cho thêm chút bơ hoặc chút dầu ăn, rồi nhào nặn bột bánh cho bơ, dầu ăn đó thiệt đều, xong mới chiên. Như thế bánh tiêu giòn lâu, khi lấy bánh cũng dễ bong ra, hổng dính chảo dễ bị cháy khét. Điều này tui học được một người bà con sống nhiều năm tại Đài Loan, xứ sở của bánh tiêu. Người bà con tui biểu, trên các hè phố Đài Bắc, các hàng bánh tiêu hoạt động suốt đêm ngày; người Đài Loan kêu bánh tiêu là bánh hồ tiêu. Ở bển, những người gốc Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến từ lâu đã thành lập hội bánh tiêu đàng hoàng.”

Chúng tôi cũng nhận ra khi chiên bánh tiêu, dầu chiên chưa bị đen, chủ nhân vẫn bỏ đi để thay dầu mới, không để dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, bánh chiên sẽ bớt thơm ngon, cũng như có thể tác hại tới sức khỏe của thực khách.

Hàng bánh tiêu đặc biệt, độc đáo có một không hai tại Sài Gòn, giá cả cũng như các hàng bánh tiêu khác, chỉ với 5 ngàn đồng (21 cent)/chiếc, kể cả hai loại bánh có hình dạng bạch tuộc và bàn tay năm ngón. (Nguyễn Đạt)

MỚI CẬP NHẬT