Thursday, April 25, 2024

Bão lũ miền Trung làm 130 người chết, 18 người mất tích

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Tình trạng “mưa lũ phức tạp” tại các tỉnh miền Trung những ngày vừa qua đã gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Song từ nay đến cuối năm 2020, khu vực này sẽ còn phải gánh chịu thêm vài đợt nữa.

Theo báo Zing, tối 25 Tháng Mười, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai đã có phúc trình “Tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung,” kể từ ngày 6 Tháng Mười đến nay.

Nhiều gia đình ở miền Trung phải đưa tang người thân trong nước lũ. (Hình: Phạm Ngôn/Zing)

Nội dung bản phúc trình cho biết chỉ trong gần ba tuần, miền Trung đã gánh chịu các đợt “lũ chồng lũ, bão chồng bão” gây thiệt hại nặng nề khi có đến 130 người chết và 18 người mất tích.

Trong đó, tỉnh Quảng Trị nhiều nhất với 50 người chết, bốn người mất tích; Thừa Thiên-Huế với 12 công nhân mất tích sau trận sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa tìm thấy hết. Ngoài ra, còn có hàng trăm người bị thương do tai nạn từ mưa lũ gây ra “chưa có con số thống kê cụ thể.”

Sau khi nước lũ rút, miền Trung có 885 ngôi nhà hư hại nặng, và hiện 320 căn nhà vẫn đang bị ngập. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề với hơn 1,400 hécta lúa và 7,800 hécta hoa màu bị ngập; hơn 7,000 con gia súc và 927,000 con gia cầm bị chết, hoặc bị nước cuốn trôi.

Giải thích trên báo Thanh Niên vì sao miền Trung “mưa lũ khốc liệt, dị thường,” ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng Phòng Dự Báo Khí Hậu, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, cho biết nguyên do là ảnh hưởng của “tổ hợp nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm” tác động cùng một lúc, dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền Việt Nam, kết hợp với không khí lạnh và gió mùa Đông Bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn.

“Sự kết hợp cùng lúc của các hình thái này là nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lớn dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua,” ông Hưởng nhận định.

Ông Hưởng cho biết thêm, ngoài ra năm nay không khí lạnh đến sớm và tương tác mạnh với các hệ thống thời tiết khác như bão, dải hội tụ nhiệt đới, nhiễu động gió Đông trên cao,… nên gây ra những đợt mưa lớn và kéo dài ở khu vực miền Trung.

Theo thống kê lượng mưa trong 20 ngày đầu của Tháng Mười vừa qua, có nhiều nơi đã vượt so với trung bình nhiều năm từ 100% đến 200%. Ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nhiều nơi lượng mưa đã vượt 300% đến 400% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt tại huyện Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị, tổng lượng mưa vượt tới 628% so với trung bình nhiều năm.

“Chúng tôi ghi nhận, lượng mưa trong ngày tại một số nơi đo được với lượng mưa cực lớn. Cụ thể, ngày 10 Tháng Mười, mưa tại A Lưới (Thừa Thiên-Huế), lên tới 594 mm; ngày 17 Tháng Mười, mưa tại Khe Sanh (Quảng Trị) là 582 mm. Đặc biệt, ngày 19 Tháng Mười, mưa tại Hoành Sơn (Hà Tĩnh) là 302 mm; còn tại Ba Đồn (Quảng Trị) lượng mưa lên tới 756 mm… Nếu so sánh tổng lượng mưa đo trong ngày thì đây là lượng mưa ‘lớn chưa từng ghi nhận trong lịch sử’,” ông Hưởng dẫn chứng.

Cũng trong tối 25 Tháng Mười, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai đã gửi công văn “hỏa tốc” tới các tỉnh, thành từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận yêu cầu “sẵn sàng ứng phó” với bão Molave (bão số 9) đang tiến vào Biển Đông hướng về miền Trung.

Vị trí và đường đi của bão số 9. (Hình: Lao Động)

Theo Ban Chỉ Đạo “cơn bão có đường đi và cấp độ tương tự bão Damrey đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa hồi Tháng Mười Một, 2017, đã gây thiệt hại cho hàng loạt tỉnh, trong đó nặng nề nhất là tỉnh Khánh Hòa.”

Chưa dọn dẹp, khắc phục xong hậu quả của đợt “lũ chồng lũ,” người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị lại căng mình đối mặt với cơn bão mới sắp đổ bộ. (Tr.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT