Monday, March 18, 2024

Bất chấp phản đối, Luật An Ninh Mạng sẽ được thông qua?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự Luật An Ninh Mạng được bàn luận tại hội trường Quốc Hội CSVN vào ngày 29 Tháng Năm và có thể sẽ được thông qua vào ngày 15 Tháng Sáu tới đây, bất chấp đang có nhiều phản ứng gay gắt của giới quan sát trên mạng xã hội.

Reuters hôm 24 Tháng Năm cho hay, ông Jeffrey Gerrish, phó đại diện thương mại Hoa Kỳ, đã nêu mối quan ngại về dự luật này trong cuộc gặp Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ mới đây.

Theo hãng tin này, ông Gerrish “nêu lên lo ngại rằng Luật An Ninh Mạng sẽ đem lại những hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.”

Facebook, Google và các công ty toàn cầu khác đang phản ứng lại trước các quy định trong dự luật yêu cầu họ lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương và mở văn phòng tại Việt Nam.

Nhưng các công ty này không đưa ra quan điểm cứng rắn tương tự về các quy định trong Luật An Ninh Mạng nhằm giúp Hà Nội tăng cường trấn áp tiếng nói của giới hoạt động trên mạng, Reuters tường thuật.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật này là cấm đăng tải những nội dung “tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” và kích động bạo động hoặc gây rối trật tự công cộng. Đây là những cụm từ mà theo giới hoạt động miêu tả là “mơ hồ” và có thể được tận dụng để quy cụp các blogger đấu tranh ôn hòa thành “tội phạm tiềm năng.”

Trong khi đó, báo Thanh Niên cho hay: “Hội Truyền Thông Số Việt Nam (VDCA) đã gửi một số kiến nghị về Luật An Ninh Mạng tới Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của quốc hội. VDCA kiến nghị bỏ quy định về địa phương hóa dữ liệu (đặt máy chủ, lưu dữ liệu tại Việt Nam). Theo các phân tích kinh tế, nếu thực thi nghiêm ngặt quy định về lưu trữ dữ liệu, đặt máy chủ tại Việt Nam thì có thể làm giảm 1.7% tăng trưởng GDP, giảm 3.1% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.”

“Một quy định trong dự luật còn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với lý do người dùng đăng tải trên không gian mạng các nội dung tuyên truyền chống phá nhà nước, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. VDAC cho rằng, việc xác định các hành vi được liệt kê trong luật là chưa đủ rõ ràng, quy định này có thể gây rủi ro, xâm phạm các quyền chính trị, kinh tế cơ bản của công dân,” báo này cho biết thêm.

Hôm 25 Tháng Năm, trả lời nhật báo Người Việt, Luật Sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, Sài Gòn, nói: “Tôi chưa có thời gian đọc kỹ về dự Luật An Ninh Mạng nên không thể nói chi tiết về những ảnh hưởng của luật này được. Tuy vậy, ở Việt Nam, việc làm luật thì việc bảo vệ đảng CSVN, bảo vệ chế độ được đặt lên hàng đầu. Nên nhiều khi các điều luật quy định bất hợp lý và cản trở sự phát triển của xã hội vẫn được quốc hội thông qua.”

“Ở Việt Nam, pháp luật là sản phẩm của giai cấp thống trị, phản ánh ý chí của giai cấp thống trị chứ không phải là việc ghi nhận các quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế, xã hội. Do đó, nhiều đạo luật vừa mới ra đời thì sau đó phải sửa đổi, bổ sung. Chỉ khi các quy phạm pháp luật được ban hành mà phù hợp với các quy luật, thực tiễn và thông lệ thì mới ổn định và tồn tại lâu dài. Còn pháp luật mà để phục vụ ý chí chủ quan của một nhóm người nào đó thì nó sẽ kiềm hãm sự phát triển của xã hội,” ông nói.

“Việt Nam lấy nghị quyết của đảng CSVN làm nền tảng, hệ quy chiếu. Nên nếu nói về khả năng làm luật cũng như kỹ thuật lập pháp của Việt Nam hiện nay là rất kém. Chỉ khi nào có bầu cử tự do, không còn kiểu đảng cử, dân bầu và hơn 50% số đại biểu quốc hội không phải là đảng viên thì lúc đó sản phẩm lập pháp mới tốt được,” ông nói thêm. (T.K.)

Quốc lộ ở Quảng Ninh bị rải chông sắt bẫy xe hơi

MỚI CẬP NHẬT