Thursday, April 25, 2024

Anh bán vé số không tay và chuyến bay muộn ở phi trường Tân Sơn Nhất

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bị từ chối cho lên máy bay vì không có ngón tay để làm Căn Cước Công Dân, một anh bán vé số khuyết tật nghèo khó quê Hải Dương cuối cùng đã nhận được sự hỗ trợ của nhân viên hàng không để kịp lên chuyến bay cuối ngày.

Ngày 2 Tháng Sáu, nhiều trang mạng xã hội đã chia sẻ bài viết với tựa đề “Vì chúng ta gọi nhau bằng hai tiếng: đồng bào.” Chỉ trong thời gian ngắn, bài viết đã nhận được hàng chục ngàn lượt yêu thích và bình luận từ cộng đồng mạng khắp nơi. Đa số các ý kiến bình luận bày tỏ rất xúc động khi đọc được một câu chuyện đẹp trong những ngày đầy tin dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Vị hành khách đặc biệt vét hết túi chỉ toàn tiền lẻ, chưa đủ tiền mua vé máy bay. (Hình: Thu Thảo/Thanh Niên)

Báo Thanh Niên dẫn nội dung các bài đăng của anh Nguyễn Đoàn Trí, trưởng bộ phận đại diện Sài Gòn của hãng Bamboo Airways, chia sẻ về câu chuyện về tấm vé lên máy bay cuối ngày của anh Nguyễn Quốc Phương, một người khuyết tật quê Hải Dương.

Theo lời anh Trí, phi trường Tân Sơn Nhất buổi chiều cuối cùng của Tháng Năm vắng vẻ, đủ khiến vị khách càng trở nên đặc biệt. “Em đi xe đò vào Sài Gòn cách đây ba năm, bán vé số dạo để gửi tiền về quê. Bố em bị tai biến, hôm nay ra phi trường mua vé về quê gấp, nhưng bị từ chối vì không có giấy tờ hợp lệ. Em là người khuyết tật, không có đôi bàn tay, nên không làm Chứng Minh Nhân Dân được. Anh chị thương giúp em với!,” anh Phương trình bày với nhân viên quầy vé.

“Bạn sẽ xử trí ra sao nếu gặp một hành khách khuyết tật, không có giấy tờ tùy thân, khuôn mặt khắc khổ, nài nỉ: ‘Cha em bị tai biến, em cần về Hải Dương gấp.’ Bạn sẽ làm gì khi vé bay 900,000 đồng ($39) nhưng vị khách chỉ có 350,000 đồng ($15.2) vẫn gắng gượng ‘Đợi em đi xe ôm về quận 7 vay bạn thêm tiền, rồi quay lại mua vé,” anh Trí viết trên trang Facebook cá nhân.

Kể cụ thể với báo Thanh Niên, chị Lương Thị Thu Thảo (25 tuổi), nhân viên quầy vé của Bamboo Airways, cho biết khoảng 4 giờ chiều 31 Tháng Năm, anh Phương được an ninh phi trường cổng dẫn vào hỏi mua vé đi Hà Nội. Đứng trước quầy, anh Phương đưa Giấy Chứng Nhận Khuyết Tật rồi hỏi có thể đi được không.

“Tôi trả lời giấy này anh không được đi rồi anh ơi. Ảnh nói, anh chị giúp đỡ giùm em đi, em bị cụt hai tay nên đâu thể nào lăn tay được mà làm Chứng Minh Thư. Nhìn mặt ảnh khắc khổ, tôi báo cấp trên của mình là anh Trí hỏi xem có cách nào hỗ trợ giúp hành khách được không. Sau đó, anh Trí dẫn khách lên gặp an ninh phi trường để xin giải quyết,” chị Thảo kể.

Anh Trí đã chụp lại Giấy Chứng Nhận Khuyết Tật do xã cấp cho anh Phương để thử trình bày với an ninh phi trường. “Biết là rất khó, nhưng chỉ có một tia hy vọng thì vẫn phải thử.’ Được, em!’ Câu trả lời đồng ý của an ninh phi trường khiến tôi mừng vui vô cùng,” anh Trí nhớ lại.

Quay trở lại quầy vé, anh Phương hỏi giá vé rồi vét sạch số tiền lẻ trong túi vé số ra để trả. Nhìn những tờ tiền lẻ xếp ngay ngắn, tờ tiền to nhất là 10,000 đồng (43 cent), tổng cộng là 350,000 đồng ($15.2), nhân viên đứng bên không khỏi xót xa. Được báo giá vé 900,000 đồng ($39), anh Phương cho hay mình vừa bán xong thì nghe tin cha bị tai biến nên anh chạy ra về luôn, không đủ tiền anh sẽ đón xe ôm qua quận 7 mượn tiền bạn.

Anh Phương vét từng tờ tiền lẻ trong túi rồi dúi vào tay anh Trí, nói chờ anh đi vay tiền rồi quay lại. Không để anh rời đi, anh Trí và đồng nghiệp đã kéo tay anh lại, nhét lại số tiền trên vào tay anh Phương. Rồi mỗi người một chút, cùng nhau gom góp, nhét thêm vào túi để anh làm lộ phí về quê từ phi trường Nội Bài.

“Nhận vé rồi hướng dẫn anh lên phòng chờ, anh tần ngần một lúc rồi xin tên chúng tôi, bịn rịn nói lời cảm ơn. Phi trường Tân Sơn Nhất chiều nay vẫn chưa hết vắng vẻ, nhưng không cô quạnh,” anh Trí xúc động viết.

Anh Nguyễn Quốc Phương với tấm vé lên máy bay cuối ngày về chăm sóc cha bị tai biến. (Hình: Thu Thảo/Thanh Niên)

Chị Thảo, người đứng ra quyên góp tiền gửi anh Phương làm lộ phí về quê, tâm sự: “Nhận tiền, anh Phương mếu máo khóc, hỏi xin tên mọi người rồi nói là biết ơn tất cả. Anh nói anh ra chăm bố, khi nào bố ổn anh sẽ vào lại Sài Gòn. Từ trước tới nay do không có Chứng Minh Thư, cũng không có tiền nên anh chỉ đi xe đò. Được anh Trí dẫn lên phòng chờ, anh Phương liên tục xúc động nói cảm ơn.”

Ba năm làm nhân viên quầy vé giờ chót, chị Thảo gặp nhiều trường hợp khó khăn, nhân viên chung tay giúp đỡ, nhưng đây là trường hợp khiến chị xúc động nhất. Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của người đàn ông bán vé số nhỏ xíu, bàn tay co cúm lại, khuất vào phía phòng chờ cùng tấm vé cuối ngày, ai nấy đều lâng lâng trong lòng. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT