Friday, April 26, 2024

Bộ Công An CSVN sẽ ‘bảo vệ an ninh đặc biệt’ cho Nhiệt Điện Vĩnh Tân?

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đang có kiến nghị lên chính phủ CSVN và Bộ Công An đưa Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân vào diện “bảo vệ an ninh đặc biệt.”

Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, gồm năm nhà máy (Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng), với tổng công suất 6,264 MW. Hiện ba nhà máy Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 đã đi vào hoạt động, các dự án khác đang trong quá trình thi công.

Nguyên do của động thái “bảo vệ an ninh đặc biệt” các nhà máy nhiệt điện được báo Thanh Niên hôm 29 Tháng Sáu giải thích: “Liên quan vụ cá chết trong các lồng bè vừa qua ở Vĩnh Tân, đại diện công an tỉnh Bình Thuận cho hay người dân bức xúc ‘đổ’ cho các nhà máy nhiệt điện. Do bị kích động, một số người dân có ý định kéo đến cổng nhà máy phản ứng nhưng được chính quyền vận động và giải thích nên sự việc đã không xảy ra.”

Ông Lê Văn Danh, phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Phát Điện 3 (EVN Genco3, chủ đầu tư dự án Nhiệt Điện Vĩnh Tân), được báo Tuổi Trẻ dẫn lời giải thích: “Do Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân là công trình trọng điểm quốc gia, có giá trị kinh tế đặc biệt.”

Báo này cũng cho hay ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận, “đồng ý với kiến nghị này vì vị trí của Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân đặc biệt nhạy cảm.”

Truyền thông trong nước cho hay đến nay đã có gần 4 triệu mét khối tro xỉ tồn đọng ở Nhiệt Điện  Vĩnh Tân và con số này “không có dấu hiệu dừng lại.”

Người dân Bình Thuận đối đầu với cảnh sát cơ động hôm 10 Tháng Sáu tại Phan Rí, vùng chịu ô nhiễm nặng nề từ nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)

Về tình trạng cá nuôi trong các lồng bè gần nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân chết hàng loạt, nhà chức trách đã lấy mẫu nước biển phân tích “nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết,” theo báo Tuổi Trẻ hôm 28 Tháng Sáu.

Điều khiến công luận quan ngại là các báo Việt Nam công khai việc đánh giá tác động môi trường tổng thể của Nhiệt Điện Vĩnh Tân lẽ ra “phải hoàn tất trong Tháng Sáu, 2018, nhưng đến nay chưa xong.”

Khi đề cập về Nhiệt Điện Vĩnh Tân, truyền thông Việt Nam gần như tránh nhắc đến chi tiết các nhà máy thuộc dự án này đều do Trung Quốc đầu tư, góp vốn với tỷ lệ lớn để kiểm soát.

Theo báo Đầu Tư hồi Tháng Tư, 2018, nhà máy BOT Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 có tổng mức đầu tư $1.7 tỷ được khởi công xây dựng từ Tháng Bảy, 2015, do công ty Lưới Điện Phương Nam Trung Quốc, công ty Điện Lực Quốc Tế Trung Quốc và Tổng Công Ty Điện Lực (Vinacomin) góp vốn đầu tư, với tỷ lệ đóng góp cổ phần tương ứng là: 55%, 45% và 5%.

Facebooker Nadal Nguyen, một người dân Bình Thuận, tiết lộ trên trang cá nhân: Hiện có khoảng 3,000 người Trung Quốc làm tại các nhà máy nhiệt điện, đang sinh sống tại khu vực Liên Hương, gần chùa Cổ Thạch ở huyện Tuy Phong.

Bất bình về 4 triệu mét khối tro xỉ tồn đọng gây ô nhiễm môi trường và làm chết hàng loạt cá nuôi trong các lồng bè được cho là nguyên do chính khiến hàng ngàn người dân địa phương biểu tình hôm 10 Tháng Sáu.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân: “Nhìn những gì xảy ra ở Bình Thuận hôm 10 Tháng Sáu, tôi thành thực mong những người nắm quyền, nếu không muốn bị cuốn phăng đi bởi làn sóng phẫn uất của người dân, thì hãy thực tâm mở rộng các quyền tự do của người dân, trước mắt là quyền tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình, để người dân có thể thực hiện những quyền hiến định của họ trong trật tự. Bên cạnh đó là thực tâm rà soát lại mọi chính sách hiện hành về giao thương, đầu tư, cư trú, đất đai, du lịch có liên quan đến yếu tố Trung Quốc để điều chỉnh theo hướng kiểm soát chặt chẽ…”

Cũng cần nhắc lại, hồi năm 2013, Vĩnh Tân là một trong những nơi diễn ra biểu tình “mạnh” nhất nước và nguyên do cũng được cho là vì bực tức trước việc nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc điều hành. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT