Friday, April 26, 2024

Bốn nhà báo Tuổi Trẻ bị ‘phạt nguội’ vụ ‘Trần Đại Quang đồng ý Luật Biểu Tình’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người trong làng báo ngạc nhiên khi Hội Nhà Báo Việt Nam vừa công bố tin rút thẻ hội viên bốn nhà báo của báo Tuổi Trẻ liên quan đến vụ đăng bài ông Trần Đại Quang “đồng ý Luật Biểu Tình.”

Tin 4 nhà báo bị rút thẻ hội viên được đưa ra cùng lúc với tin khai trừ phóng viên Đào Thị Thanh Bình của báo Thương hiệu và Công luận vì tống tiền doanh nghiệp $70,000.

Bốn nhà báo của báo Tuổi Trẻ gồm: ông Võ Hoàng Thuật (phó tổng thư ký tòa soạn phụ trách báo điện tử Tuổi Trẻ Online), bà Vũ Chi Mai (thư ký tòa soạn Tuổi trẻ Online), ông Phạm Minh Đức (phóng viên Ban Chính Trị Xã Hội, Tuổi Trẻ Online) và ông Dương Thanh Dân (biên tập viên Tuổi Trẻ Online).

Tuy bản tin của báo Lao Động hôm 27 Tháng Mười Hai, 2018 về việc này không nêu rõ lý do khiến bốn nhà báo của báo Tuổi Trẻ bị khai trừ và thu hồi thẻ hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam, nhưng những người trong làng báo Việt Nam hiểu rằng đây là hệ lụy của bài đăng trên báo Tuổi Trẻ Online rằng Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang “đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình” hồi Tháng Sáu, 2018.

Đây có lẽ là bài báo “đắt giá” nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam sau 1975, vì nó khiến báo Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng ($9,463) và phải đình bản báo điện tử suốt ba tháng.

Một nguồn tin đề nghị không nêu danh tính từ tòa soạn báo Tuổi Trẻ nói với Nhật báo Người Việt rằng để “giải quyết khủng hoảng,” ban biên tập tờ báo đã phải bay ra Hà Nội “chạy thuốc” với Ban Tuyên Giáo và Bộ Chính Trị CSVN. Kết cục là tuy Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng nhưng tổng biên tập và các phó tổng biên tập giữ được ghế và mọi “tội lỗi” trong vụ đăng bài về phát ngôn của Chủ Tịch Quang đổ lên đầu bốn nhân vật nêu trên.

Bài báo về phát ngôn của cố Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang khiến báo Tuổi Trẻ Online phải đóng cửa ba tháng. (Hình chụp qua màn hình)

Việc bốn nhà báo của Tuổi Trẻ bị rút thẻ nguội sau nhiều tháng được hiểu là do được tiến hành tuần tự “theo quy trình xử lý đảng viên CSVN.” Trước đó, những người này đã bị cảnh cáo nội bộ. Nay khi đã bị rút thẻ thì tòa soạn báo Tuổi Trẻ chuyển họ sang làm bộ phận kỹ thuật, không còn cho làm nội dung.

Đáng lưu ý, trong thời điểm báo Tuổi Trẻ xảy ra biến cố, một lá đơn tố cáo nặc danh rò rỉ từ tòa soạn tờ báo hồi Tháng Mười, 2018, khiến công luận xôn xao vì những người viết thư tự nhận là “tập thể những người đã và đang làm việc tại báo Tuổi Trẻ” và đề gửi Ban Tuyên Giáo, Thành Ủy ở Sài Gòn, Bộ Thông Tin Truyền Thông…

Lá đơn nêu đích danh Tổng Biên Tập Lê Thế Chữ “có sự điều hành yếu kém, nhu nhược và ba phải, chỉ như một con rối” khiến tờ báo này “xuống dốc, nhân viên bị cắt tiền thưởng hoàn toàn do làm ăn thua lỗ, báo online bị đình bản, nội bộ thì tan nát, vô cùng lộn xộn, tố cáo lẫn nhau.”

Trong vụ báo Tuổi Trẻ đăng phát ngôn của ông Trần Đại Quang về Luật Biểu Tình hồi Tháng Sáu, 2018, nhiều blogger trong giới truyền thông, luật sư nêu ý kiến trên mạng xã hội rằng theo luật, nếu báo Tuổi Trẻ có dẫn sai lời chủ tịch nước trên website thì lẽ ra ông này (khi đó còn sống) nên khởi kiện tờ báo, chứ Cục Báo Chí, Bộ Thông Tin Truyền Thông, không thể tự tiện ra lệnh đình bản và phạt tiền.

Tuy nhiên, cũng có suy đoán trong vụ đình bản website của báo Tuổi Trẻ, ông Quang chỉ có thể “ngậm bồ hòn làm ngọt,” vì người ra quyết định xử phạt thật sự là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trong lúc người gánh trách nhiệm ký tên trên văn bản là Cục Trưởng Cục Báo Chí Lưu Đình Phúc.

Điều này giải thích tại sao báo Tuổi Trẻ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc “chấp hành lệnh đình bản,” dù tờ quyết định phạt có chú thích ở cuối văn bản rằng: “Báo Tuổi Trẻ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định này theo quy định của pháp luật.” (T.K.)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT