Thursday, April 25, 2024

Truyền thông Việt Nam ‘lơ’ chi tiết về kinh phí xây đền thờ Hồ Chí Minh do ‘đại gia’ tài trợ

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Dường như để tránh bị công luận chỉ trích “lãng phí,” tất cả bài tường thuật về buổi lễ khánh thành đền Chung Sơn trên báo nhà nước đều “không đề cập” khoản kinh phí đầu tư công trình bề thế không kém một lăng tẩm vua chúa như ở kinh thành Huế.

Theo tờ Thanh Niên, đền thờ được khởi công xây dựng từ năm 2012 trên núi Chung, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, và là nơi thờ tự gia tộc ông Hồ Chí Minh, người sáng lập nhà nước CSVN.

Công trình gồm 18 hạng mục như đền thờ chính, nhà chuông, nhà trống… được mô tả là “nơi thờ tự tôn nghiêm” cho cha mẹ và anh chị em ruột ông Hồ.

Còn theo báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam, đền Chung Sơn được Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Bắc Á cùng tỉnh Nghệ An đầu tư và khởi công xây dựng từ năm 2012, trên khoanh đất có tổng diện tích lên đến 83.6 hécta.

Ngân Hàng Bắc Á cùng với thương hiệu sữa TH True Milk thuộc sở hữu của “đại gia” Thái Hương. Bà Hương cũng được ghi nhận đứng gần Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong buổi lễ khánh thành đền Chung Sơn nhằm đánh dấu 130 năm ngày sinh ông Hồ.

“Đại gia” Thái Hương (bìa trái) tại lễ khánh thành đền Chung Sơn. (Hình: Báo điện tử Chính Phủ CSVN)

Do bà Hương, người Nghệ An, là “nhà tài trợ” chính việc xây đền Chung Sơn, báo điện tử Chính Phủ CSVN viết rằng Thủ Tướng Phúc “hoan nghênh, đánh giá cao Ngân Hàng Bắc Á đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa tham gia đóng góp tích cực với trách nhiệm cao để cùng tỉnh Nghệ An hoàn thành công trình.”

Cũng như nhiều “đại gia tư bản đỏ” khác ở Việt Nam, bà Hương được ghi nhận làm giàu nhờ dựa hơi quan chức CSVN trong việc hình thành “nhóm lợi ích.” Do vậy, các doanh nghiệp của bà rất cần có danh hiệu, huân chương do nhà cầm quyền trao tặng để làm truyền thông, quảng bá thương hiệu.

Theo báo Dân Sinh, hồi giữa Tháng Chín, 2019, Ngân Hàng Bắc Á đón nhận Huân Chương Lao Động hạng ba – một danh hiệu mà theo thông lệ thì doanh nghiệp phải chi tối thiểu hàng chục tỷ đồng để được trao.

Cũng cần nói thêm, việc nhà cầm quyền CSVN dành đến 84 hécta xây dựng đền Chung Sơn diễn ra trong bối cảnh báo nhà nước ghi nhận đa phần người dân Nghệ An do thiếu đất canh tác, làm nông nên phải chọn cách đi xuất cảng lao động để “thoát nghèo.”

Trong vụ 39 thi thể bị phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hồi cuối Tháng Mười Một, 2019, truyền thông cho hay có đến 21 nạn nhân là người Nghệ An.

Thời điểm đó, báo Zing dẫn lời một cán bộ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, cho biết từ hơn 15 năm trước, nhiều người địa phương vay mượn tiền để tỏa đi các nước Châu Á, Châu Âu tìm cơ hội đổi đời.

Chỉ tính riêng xã Đô Thành hiện có gần 1,500 người đi xuất khẩu lao động, nhiều người trong số này “đi chui,” tờ báo ghi nhận nhiều gia đình ở xã Đô Thành và một số xã lân cận hiện chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà do đàn ông đã ra nước ngoài mưu sinh. (N.H.K) (đ.d.)

MỚI CẬP NHẬT