Monday, May 20, 2024

Chợ Đầm ế khách, tiểu thương rao bán sạp không ai mua

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Nhiều tiểu thương ở chợ Đầm, thành phố Nha Trang, treo bảng sang nhượng, rao bán sạp hàng vì không có khách. Số còn lại buôn bán cầm chừng để duy trì mối quen và chờ ngày hết dịch bệnh COVID-19 để đón khách du lịch.

Chợ Đầm ở thành phố Nha Trang là trung tâm mua sắm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng cũng như nhiều khu chợ nổi tiếng khác ở Việt Nam, hiện chợ này phải chịu cảnh đìu hiu, hàng loạt chủ sạp treo bảng rao bán, sang nhượng sạp vì không còn khách mua sắm đã nhiều tháng qua.

Chợ Đầm ở thành phố Nha Trang đìu hiu vắng khách “chưa từng có.” (Hình: An Bình/Zing)

Theo báo Zing, chợ Đầm từng là điểm thăm viếng, mua sắm không thể thiếu của du khách khi tới Nha Trang du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên sau khi dịch COVID-19 bùng phát, khách ngoại quốc và nội địa giảm dần, chợ Đầm cũng trở nên vắng lặng, buôn bán ế ẩm.

“Không có khách, chúng tôi dọn hàng ra chủ yếu để cho có việc làm, chứ không có người đến mua,” chị Hiếu, một tiểu thương tại chợ than thở.

Một số khu vực trong chợ chủ các sạp đóng hẳn tiệm, cắt điện nước để tiết kiệm chi phí phải trả hằng tháng cho chủ đầu tư.

Theo những tiểu thương, trước khi có dịch COVID-19, mỗi ngày một sạp hàng đón trung bình từ 70 đến 120 khách, song hiện nay chỉ còn vài người ghé qua thăm viếng, mua sắm.

“Một ngày chỉ có ba, bốn người đến mua nhưng toàn bộ là khách nội địa. Tình hình này kéo dài chắc tôi cũng đóng sạp, hoặc cho thuê lại,” chị Kiều, một tiểu thương, cho biết.

“Lúc còn khách Trung Quốc và Nam Hàn sang du lịch hàng hóa bán rất được, nay cả ngày chỉ vài khách Việt Nam. Hàng hóa ế ẩm nên xem điện thoại mệt thì lăn ra ngủ cho hết ngày,” chủ sạp đồ khô Kim Hà, nói.

Chị Loan, một tiểu thương, cho biết thêm: “Sau đợt dịch lần đầu cứ tưởng thị trường phục hồi, du khách đến đông. Nhưng đợt dịch thứ hai khiến số khách còn lại cũng về nước luôn, chúng tôi giờ chủ yếu bán hàng cho các mối quen.”

Ở khu vực chợ Đầm mới (dự án chợ Đầm) nằm ngay phía sau chợ Đầm cũ, có quy mô ba tầng khang trang với tổng diện tích hơn 21,000 mét vuông, nhưng cũng lâm vào cảnh ế ẩm nhiều tháng nay.

Nhiều tiểu thương đóng cửa rao sang sạp hàng nhưng không ai mua. (Hình: An Bình/Zing)

Nơi này hiện chỉ có một số sạp hàng ở khu vực tầng 1 hoạt động, còn lại đóng cửa im lìm. Sau đợt dịch COVID-19 thứ hai, nhiều tiểu thương cố cầm cự được ít tháng, nay cũng phải rao bán, cho thuê lại sạp.

Để có chỗ kinh doanh, chị Thảo phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng ($8,618) thuê sạp trong vòng 10 năm, nay bán không được mà trả lại cũng không xong vì không thể thu lại tiền đã mua trước đó, trong khi hàng hóa để lâu hư hỏng, kém phẩm chất.

Chị Nguyễn Thị Quá, một tiểu thương tại chợ Đầm mới, bất bình nói với báo Tuổi Trẻ: “Chúng tôi bị Ủy Ban Nhân Dân thành phố và chủ đầu tư lừa. Trước đó họ hứa sẽ cho di dời toàn bộ các sạp hàng ở chợ Đầm cũ lên đây, nhưng nhiều năm vẫn không thực hiện. Sợ không có nơi bán, chúng tôi bỏ tiền đầu tư thuê sạp. Nếu chính quyền không xử lý được thì cho chúng tôi quay lại chợ cũ bán hoặc trả lại số tiền mà chúng tôi đã mua lô sạp trước đó, nhằm giảm thiệt hại.”

Hàng hóa ế ẩm nên tiểu thương xem điện thoại mệt thì lăn ra ngủ cho hết ngày. (Hình: An Bình/Zing)

Theo báo Tuổi Trẻ, chợ Đầm cũ được xây dựng vào những năm 1970 do Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955, tác giả của nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, như Giảng Đường Phượng Vỹ Đại Học Nông Lâm, Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, trường Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn, Viện Đại Học Huế, trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn… thiết kế. Từ lâu khu chợ này đã trở thành một địa danh không chỉ phục vụ mua sắm, mà còn là điểm du lịch nổi tiếng. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT