Sunday, April 28, 2024

Chuỗi nhà hàng Món Huế của Việt kiều Mỹ ‘sập tiệm’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chuỗi nhà hàng Món Huế nổi tiếng của ông chủ Việt kiều Mỹ đã đóng cửa hàng loạt “bỏ của chạy lấy người” và đang có nguy cơ bị các đối tác khởi kiện.

Truyền thông Việt Nam ngày 23 Tháng Mười, 2019, cho biết tất cả chi nhánh nhà hàng Món Huế thuộc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Chế Biến Thực Phẩm Huy Việt Nam (công ty Huy Việt Nam) đã đóng cửa và treo bảng “Trả mặt bằng,” bỏ lại nhiều tài sản bên trong, dù có những địa điểm đã trả trước ba tháng tiền thuê nhà. Tương tự tại Hà Nội, Món Huế cũng đang “bỏ của chạy lấy người.” Ngay cả website của công ty Huy Việt Nam cũng dừng hoạt động.

Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu kinh doanh đã đến trụ sở của công ty Huy Việt Nam (ở quận 1, Sài Gòn) giăng băng rôn tố cáo doanh nghiệp nợ tiền không trả. Theo thống kê sơ bộ từ những nhà cung cấp, tổng số nợ đã lên đến gần 20 tỷ đồng ($860,372). Ngoài ra, nhân viên nhà hàng cũng tố bị chủ doanh nghiệp nợ lương.

Nói với báo Thanh Niên, nhiều khách hàng đang sở hữu Thẻ Thành Viên (mua trả tiền trước rồi trừ dần khi ăn) của Món Huế cũng lo lắng số tiền trong thẻ “đội nón ra đi?”

Các nhà cung cấp nguyên liệu giăng băng rôn tố cáo doanh nghiệp nợ tiền không trả: “Chúng tôi nhà cung cấp nguyên liệu cho công ty Món Huế – Phở Ông Hùng, yêu cầu công ty trả nợ cho chúng tôi, trả lương cho nhân viên công ty.” (Hình: Thanh Niên)

Theo báo VNExpress, hiện tại các nhà cung cấp nguyên vật liệu kinh doanh đã nộp đơn tố cáo công ty Huy Việt Nam cho Công An phường Cô Giang (quận 1) và nơi này đã tiếp nhận để chuyển cho Công An quận 1 giải quyết theo đúng trình tự.

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2007, công ty Nhà Hàng Món Huế được xây dựng theo mô hình chuỗi nhà hàng ăn tại chỗ, với thực đơn hơn 60 món khác nhau do ông Huy Nhật (quốc tịch Mỹ), đồng sáng lập, chủ tịch và kiêm giám đốc công ty Huy Việt Nam điều hành.

Đến đầu năm 2013, ông Huy Nhật gọi vốn đầu tư được $3 triệu. Hai năm sau gọi được thêm $15 triệu từ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mark Mobius quản lý.

Sau đó, ông Huy Nhật mở rộng thêm hàng loạt thương hiệu khác như Phở Ông Hùng, Cơm Express, Great Bánh Mì & Cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant hay Mì Quảng Bếp Tâm. Tuy nhiên, chuỗi nhà hàng Món Huế vẫn là chính và có quy mô lớn nhất trong hệ thống của ông Huy Nhật.

Với tổng số tiền huy động được lên tới $65 triệu trong ba lần gọi vốn, công ty Huy Việt Nam nhanh chóng tăng quy mô ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express lên gấp bảy lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015.

Văn phòng của chủ quản lý chuỗi Món Huế vắng tanh ngay trong ngày làm việc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Mark Mobius, một nhà đầu tư ở Hoa Kỳ cũng đã rót $15 triệu vào công ty Huy Việt Nam hồi năm 2015 và từng khẳng định “sẽ rót thêm vốn bất cứ khi nào công ty này cần.” Thế nhưng, những biến cố liên tiếp đang xảy ra đã cho thấy dấu hiệu “biến mất” của chuỗi nhà hàng này.

Ngay trước nghi vấn “trốn nợ,” báo cáo tài chính của công ty Nhà Hàng Món Huế, cho biết đến cuối năm 2018, công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 107 tỷ đồng ($4.6 triệu). Khoản lỗ của chuỗi nhà hàng Món Huế bắt đầu từ năm 2016 và gia tăng trong hai năm gần đây, mỗi năm đều lỗ trên 50 tỷ đồng ($2.15 triệu).

Trước đó hồi Tháng Tư, 2019, công ty Huy Việt Nam đã giảm vốn điều lệ từ 1,200 tỷ đồng ($51.6 triệu) xuống 600 tỷ đồng ($25.8 triệu), trong khi vốn của công ty Nhà Hàng Món Huế được tăng từ 22 tỷ đồng ($946,545) lên hơn 657 tỷ đồng ($28.2 triệu). Và đến hồi đầu Tháng Mười này, công ty Huy Việt Nam đã cho thay đổi tên người đại diện trên giấy tờ từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh.

Nói với báo Zing về sự việc, Luật Sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn, nhận định: “Đây là quan hệ giữa công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế với các nhà cung cấp, người lao động… Quan hệ này là hợp đồng giữa pháp nhân với nhà cung cấp, người lao động. Do đó việc công ty đóng cửa dẹp tiệm, nợ tiền nhà cung cấp, nợ lương nhân viên… thì đây vẫn là quan hệ pháp luật dân sự, chưa đủ yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Huy Việt Nam là công ty 100% vốn ngoại quốc. Thực tế, Món Huế không phải chuỗi cửa hàng F&B (thực phẩm và đồ uống) có vốn đầu tư ngoại quốc đầu tiên bất ngờ đóng cửa ở Việt Nam. Trước đó, nhiều chuỗi cửa hàng nổi tiếng như chuỗi cà phê The Kafe, trà sữa Ten Ren… cũng phải dừng hoạt động không báo trước với lý do “Mô hình kinh doanh chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng và kết quả chưa đạt kỳ vọng.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT