Friday, April 26, 2024

Quốc Hội CSVN tiếp tục ‘trốn món nợ’ Luật Biểu Tình

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Trong báo cáo của Chính Phủ [CSVN] chỉ rõ bây giờ chúng ta đang có ba luật đã nằm trong kế hoạch rồi nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật Biểu Tình, Luật Về Hội và Luật Hiến Máu. Đề nghị phân tích rõ nguyên nhân và cũng xác định lộ trình để ban hành chứ không thể để kéo dài, bởi vì đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến Pháp.” Đó là phát ngôn tại nghị trường của ông Uông Chu Lưu, phó chủ tịch Quốc Hội CSVN được tờ Tuổi Trẻ hôm 11 Tháng Chín dẫn lại.

Các chi tiết đề cập về Luật Biểu Tình chỉ được nêu vắn tắt trong bài báo.

Cùng ngày, báo Zing được ghi nhận phải sửa tựa bài “Không để Quốc Hội [CSVN] mãi nợ dân Luật Biểu Tình” thành một tựa khác ít “nhạy cảm” hơn: “Bao giờ cử tri được bãi nhiệm đại biểu do mình bầu?”

Phát ngôn của ông Lưu một lần nữa cho thấy giới chức Quốc Hội CSVN tiếp tục “cà khịa”, biện hộ cho việc họ lần lữa Luật Biểu Tình từ năm này qua năm khác.

Tại Việt Nam, quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến Pháp tại Điều 25, Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Từ Tháng Năm, 2014, dự án Luật Biểu Tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc Hội CSVN nhưng đến nay vẫn chưa được trình lên Quốc Hội.

Tuy vậy, trên thực tế, mỗi khi đề cập đến người biểu tình ôn hòa, các lãnh đạo CSVN cũng như báo nhà nước đều gọi những người này là “các đối tượng chống đối, kích động, gây rối và bị thế lực thù địch lôi kéo.”

Lực lượng Thanh Niên Xung Phong lắp hàng rào kẽm gai ngăn người biểu tình ở Sài Gòn hồi Tháng Sáu, 2018. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

Báo Thanh Niên hồi cuối Tháng Tám cho hay 1,600 tỉ đồng ($68.9 triệu) là khoản ngân sách mà chính quyền ở Sài Gòn dự trù cấp cho “hệ thống camera giám sát đô thị giai đoạn 2019 – 2025”, tức CCTV, với 10,000 camera được lắp đặt thêm ngoài 37,000 camera đã được khai triển.

Việc chính quyền dùng CCTV để phát hiện và giám sát các cuộc biểu tình của người dân được tờ báo diễn giải: “Hệ thống camera còn phân tích hình ảnh, nhận diện và định danh khuôn mặt nhằm tìm kiếm đối tượng; nhận diện theo độ tuổi, giới tính, đếm khuôn mặt và tần suất xuất hiện; nhận diện hành vi và phát hiện đám đông tụ tập, đếm số lượng người, phát hiện hướng di chuyển của đám đông.”

Bản Phúc Trình Toàn Cầu 2019 do Human Rights Watch (Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền) phát đi hồi Tháng Giêng, 2019 đưa cáo buộc: “Trong năm 2018, nhà cầm quyền CSVN tìm cách triệt phá nhiều mạng lưới bất đồng chính kiến. Có ít nhất 42 người bị kết án chỉ vì công khai thể hiện ý kiến phê phán chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ. Trong đó bao gồm chín thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ và 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết.”

Trước các cáo cuộc về trấn áp người biểu tình cũng như các lời kêu gọi điều tra về trách nhiệm của công an, nhà cầm quyền CSVN không đưa ra phản hồi.

Đến nay, quan điểm “xuống đường biểu tình là do bị thế lực kích động” luôn được các “đại biểu quốc hội” nhiệt liệt tán thành. Hồi Tháng Sáu, 2018, thời điểm các cuộc biểu tình nổ ra rầm rộ tại Sài Gòn, Hà Nội, đại biểu Dương Trung Quốc được báo Zing trích lời: “Cần có Luật Biểu Tình để phân tách người kích động, quá khích. Nếu có luật, người dân được bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ và chúng ta có thể điều chỉnh được những người quá khích.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT