Friday, April 19, 2024

Cựu Dân Biểu Đặng Thị Hoàng Yến: ‘Đại gia mất tích’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tuy được cho là đã lâu không còn ở Việt Nam và hoàn toàn im hơi lặng tiếng trên truyền thông, nhưng cựu Dân Biểu Đặng Thị Hoàng Yến thỉnh thoảng vẫn bị các báo nhà nước nhắc tên với nội dung mang tính “tiêu cực” và còn mô tả bà là “nữ đại gia mất tích.”

Bà Yến là chủ tịch Công Ty Cổ Phần Đầu tư và Công Nghiệp Tân Tạo (Itaco) và từng gây xôn xao dư luận khi bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc Hội CSVN hồi năm 2012.

Bài trên báo điện tử VietNamNet hôm 6 Tháng Chín cho hay: “Doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến tiếp tục khó khăn liên quan tới dự án Nhiệt Điện Kiên Lương (ở tỉnh Kiên Giang) và khối tiền 3,500 tỉ ($150.7 triệu) do Itaco đầu tư vào đây chưa biết bao giờ mới đòi được. Về bản báo cáo tài chính giữa năm của Itaco, kiểm toán đặc biệt lưu ý về khả năng thu hồi khoản đầu tư và nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến Nhiệt Điện Kiên Lương. Đây là dự án lớn nằm trong sơ đồ phát triển nguồn điện của chính phủ [CSVN]. Tuy nhiên, dự án này được ghi nhận dậm chân tại chỗ trong hơn 10 năm qua, gây nhiều búc xúc trong xã hội. Nó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về năng lực tài chính của Tân Tạo.”

Sự đắp chiếu của dự án Nhiệt Điện Kiên Lương cũng gắn liền với sự mất tích bí ẩn của bà Yến trong nhiều năm qua. Bà Yến không xuất hiện trong sáu kỳ đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này. Trong thời gian đó, ông Đặng Thành Tâm, cựu đại biểu Quốc Hội [CSVN] thế vai cho người chị ruột. Tuy nhiên, bà Yến vẫn ký các văn bản điều hành quan trọng của Itaco. Trong báo cáo quản trị sáu tháng đầu năm 2019, bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn tham dự đủ cả bốn cuộc họp, tương ứng với tỷ lệ tham dự 100%.

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến một sự tháo chạy của Itaco khỏi các dự án bế tắc tại Việt Nam với hàng loạt các vụ thoái vốn hoặc bán tài sản trong khi đẩy mạnh đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ, theo tờ báo của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN.

Trong khi đó, báo VNExpress cho biết số phận dự án Nhiệt Điện Kiên Lương “chưa rõ ràng” và viết thêm: “Dự án này được khởi công vào năm 2009, có tổng vốn đầu tư khoảng $2 tỉ. Dự án bắt đầu đình trệ sau đó hai năm và có chuyển biến mới khi thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT vào Tháng Hai, 2014. Báo cáo của Bộ Công Thương [CSVN] gửi thủ tướng vào giữa năm 2018 cho thấy, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang không liên lạc được với chủ đầu tư là Công Ty Cổ Phần Năng Lượng Tân Tạo (công ty con của Itaco) để trao đổi, bàn hướng xử lý vướng mắc của dự án.”

Tờ báo cho biết thêm là chính phủ CSVN đang bỏ ngỏ giữa hai phương án: thu hồi dự án do “lỗi của chủ đầu tư” hoặc bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển điện quốc gia 2021-2030 có xét đến 2040 để phát triển theo hình thức BOT.

Cũng cần nhắc lại, “đế chế kinh doanh” của chị em bà Yến ở Việt Nam được cho là dựa trên mối quan hệ thân hữu. Hồi năm 2012, khi vụ bãi bãi miễn tư cách đại biểu Quốc Hội CSVN đối với bà Yến đang ồn ào, Đài Á Châu Tự Do viết: “Việc bà Đặng Thị Hoàng Yến bị xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc Hội [CSVN] cũng không khỏi làm những người quan tâm băn khoăn về lý do tại sao với một lý lịch với nhiều mờ ám như vậy mà bà Yến vẫn được đề nghị ra ứng cử, nhất là sau vụ bà bị cơ quan an ninh Bộ Công An khởi tố vi tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước vào năm 1998. Theo báo Người Cao Tuổi hồi Tháng Tám, 2011, bà Yến đã thoát nạn bởi được một vị lãnh đạo cao cấp che chở. Báo này không nêu đích danh người đó là ai. Tuy nhiên các thông tin không chính thức được lan truyền trên mạng cho thấy bà có quan hệ mật thiết với Chủ Tịch Nước [CSVN] Trương Tấn Sang.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT