Tuesday, May 7, 2024

Đắk Lắk bắt 22 nghi can vụ tấn công 2 đồn công an

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Có tổng cộng 22 nghi can bị bắt giữ với cáo buộc tấn công hai đồn công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, tính đến đêm 11 Tháng Sáu (giờ Việt Nam).

Vụ tấn công bằng súng gây rúng động công luận xảy ra vào rạng sáng cùng ngày. Đáng nói, trong lúc các báo ở Việt Nam giấu con số thương vong và chỉ ghi là “một số,” mạng xã hội rò rỉ văn bản xác nhận có bốn công an, hai cán bộ, và hai thường dân chết trong vụ này.

Ba trong số 16 nghi can bị bắt giữ hôm 11 Tháng Sáu. (Hình: Công An Nhân Dân)

Theo tường thuật của báo VNExpress, Trung Tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An Việt Nam, xác nhận vụ bắt 16 nghi can nhưng không cho biết chi tiết về danh tính cũng như lý do gây án của những người này.

Ông Xô nói rằng công an đang tiếp tục truy bắt những người còn lại trong nhóm tấn công.

Ông cũng cho biết thêm, trong vụ này có ba con tin bị khống chế. Một người trong số đó tự chạy thoát, hai người còn lại được nhà chức trách giải cứu vào trưa 11 Tháng Sáu.

Đến chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát cơ động được ghi nhận chốt chặn, kiểm tra xe cộ qua lại tại nhiều ngả đường ở xã Ea Ktur và xã Ea Tiêu. Riêng đường vào Ủy Ban Nhân Dân xã Ea Ktur bị hạn chế ra vào.

Một nhân chứng sống cách trụ sở Công An Xã Ea Ktur chừng 100 mét cho biết thời điểm xảy ra sự việc, ông này “nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn” và “không dám ra ngoài.”

Một số báo đưa tin ban đầu như Công Thương, VNExpress đều phải gỡ bỏ bản tin.

Sau đó, hầu hết các bản tin về sự việc trên báo Việt Nam đều đăng nguyên văn theo thông cáo của Bộ Công An, kèm khuyến cáo: “Người dân huyện Cư Kuin và các địa bàn lân cận được khuyến cáo bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở cùng các lực lượng chức năng.”

Một văn bản rò rỉ trên mạng mà nhật báo Người Việt chưa thể kiểm chứng cho thấy có tên, quê quán, đơn vị, chức vụ, và nơi cư ngụ của những người thiệt mạng và bị thương.

Theo văn bản này, tám người chết gồm bốn sĩ quan công an, đó là một thượng tá và một đại úy thuộc xã Ea Tiêu, và một thiếu tá và một thượng úy thuộc xã Ea Ktur.

Hai cán bộ chết là chủ tịch xã Ea Tiêu và bí thư đảng ủy xã Ea Ktur.

Trong hai người dân chết có một người ở xã Ea Tiêu và một ở xã Ea Ktur. Ngoài ra, có một thượng úy và một đại úy công an xã Ea Ktur bị thương.

Bản tin của đài truyền hình VTV dẫn lời ông Tô Ân Xô cho biết “các lực lượng công an đã bắt giữ sáu đối tượng, hiện đang tập trung xét hỏi để bắt các đối tượng còn lại.”

Một văn bản khác được cho là báo cáo của công an tỉnh Đắk Lắk về sự việc, cho biết, nhóm tấn công hai đồn công an xã gồm “30 người mặc đồ rằn ri, bịt mặt, đi xe gắn máy, có vũ trang.”

“Đây là nhóm hoạt động khủng bố có vũ trang đặc biệt nguy hiểm, hiện nay chưa kiểm soát, và tiếp tục di chuyển đến địa bàn khác,” báo cáo viết.

Báo cáo của công an tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết thêm, Bộ Công An ra lệnh triển khai ngay lập tức phương án phòng chống khủng bố, thường trực chiến đấu 100% quân số, sẵn sàng vũ khí…

Trụ sở ủy ban và đồn công an xã Ea Tiêu bị phong tỏa sau vụ tấn công. (Hình: Tuổi Trẻ)

Bên cạnh đó là việc bố trí việc bảo vệ các cơ quan của đảng, nhà nước tại tỉnh Đắk Lắk, cũng như giới chức lãnh đạo địa phương.

Trang Luật Khoa Tạp Chí bình luận: “Các nghi phạm bị bắt trong sự việc này rất có khả năng sẽ bị tra tấn nặng nề để ép cung nhằm phục vụ mục tiêu phá án nhanh của cơ quan điều tra. Điều đáng quan ngại là do thông tin trên báo đang định hình họ là một nhóm khủng bố, nên dù họ có bị tra tấn đi chăng nữa cũng sẽ không được mấy ai quan tâm. Việc tra tấn cũng sẽ dễ dàng được biện minh bằng lý do an ninh, trong khi khía cạnh nhân quyền và động cơ gây án của các nghi phạm sẽ bị phớt lờ.” (N.H.K) [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT