Friday, April 26, 2024

Dân mạng xót thương ông Lê Đình Kình; báo của đảng vu khống người chết

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 11 Tháng Giêng, hàng loạt Facebooker đổi avatar, cover hình ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người thiệt mạng trong vụ tấn công vũ trang của nhà cầm quyền CSVN hôm 9 Tháng Giêng tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm.

Nhằm tuyên truyền về chính nghĩa của chính quyền trong vụ này, các báo nhà nước đồng loạt đăng bài vu cáo ông Kình “lúc tử vong thì tay còn cầm lựu đạn,” và “là người cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật.” Toàn bộ thông tin đều do Bộ Công An CSVN và Thông Tấn Xã Việt Nam cung cấp.

Báo Tuổi Trẻ còn ghi thêm rằng Bộ Công An CSVN “khuyến cáo người dân không tin, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, nhất là trên các trang mạng xã hội” về diễn biến vụ tấn công Đồng Tâm.

Theo tờ Thanh Niên hôm 11 Tháng Giêng, ông Lê Đình Kình từng làm trưởng công an, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân và bí thư Đảng Ủy xã Đồng Tâm. Tờ báo dẫn nguồn Bộ Công An CSVN cáo buộc ông Kình và một số người “sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm.”

Trong khi đó, sáng 11 Tháng Giêng, trong cuộc gọi video được phát trực tiếp trên trang Facebook Tâm Dương Nội, bà Lê Thị Nhung, con gái ông Lê Đình Kình, khẳng định rằng cha bà “bị bắn chết trên giường ở nhà nhưng nhà chức trách lại yêu cầu gia đình phải ký nhận xác chết ở cánh đồng.”

Một số hình ảnh và clip lan truyền qua mạng cũng cho thấy thi thể ông Kình khi đưa về nhà có vết mổ tử thi dài trên bụng, vết đạn trên đầu và ngực.

Chốt công an canh gác tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm. (Hình: Thanh Niên)

Cái chết bi thảm của ông Lê Đình Kình gây rúng động công luận vì từ nhiều năm qua, ông là biểu tượng của phong trào đấu tranh giữ đất. Trong các clip về Đồng Tâm trước đây, ông gây ấn tượng bởi giọng điệu ôn tồn cũng như phong thái chính trực và đôn hậu. Nhắc đến Lê Đình Kình, người ta nghĩ ngay đến một người dám đứng lên chống bất công bạo quyền nhưng không bao giờ thù hận con người.

Bà Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bình luận trên trang cá nhân: “Nếu cụ Kình tham lam thủ đoạn như họ công khai trên báo, thì bao nhiêu năm tháng sống cạnh gia đình cụ, dân làng Đồng Tâm mê muội gì, khó khăn gì mà không trói gô cụ già 84 tuổi đem nộp công an? Cắt luôn Internet, đòi bắt luôn luật sư, rào kẽm gai phong tỏa nguyên một làng. Tấn công vũ trang 4 giờ khuya, nửa đêm, quy mô dường ấy, thiệt hai bấy nhiêu nhân mạng mà giờ TV báo chí nói ‘chống người thi hành công vụ ở cánh đồng Sênh sáng 9 Tháng Giêng cách đó 3 km’. Thiệt là coi dư luận như cỏ rác. Rồi đăng báo nói giao xác cụ Kình, thì lại là… đòi đổi xác cụ Kình để ép ký cho được lời thú tội (rất hoang đường) của gia đình cụ là ‘cụ mất ở cánh đồng Sênh’…”

Bản tin hôm 11 Tháng Giêng của Thông Tấn Xã Việt Nam được đăng nguyên văn trên các báo nhà nước khẳng định rằng “đến nay, tình hình an ninh, trật tự ở Đồng Tâm cơ bản ổn định, mọi hoạt động của người dân diễn ra bình thường.”

Tuy vậy, giới xã hội dân sự cho rằng một khi cái chết của ông Lê Đình Kình không được điều tra, báo chí độc lập không được phép tường thuật ở Đồng Tâm và không có giới chức nào nhận trách nhiệm về vụ đánh úp sáng 9 Tháng Giêng, Đồng Tâm cũng như nhiều địa phương có dân oan mất đất sẽ không bao giờ bình thường trở lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mọi sự tuyên truyền của báo chí nhà nước về chính nghĩa của chính quyền đều phản tác dụng. (N.H.K)

MỚI CẬP NHẬT