Friday, April 26, 2024

Dân Sài Gòn ám ảnh mùa mưa vì chính quyền xóa ngập ‘trên giấy’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Từ cuối Tháng Năm đến nay, người dân Sài Gòn lại ám ảnh với cảnh phải lội nước nhiều giờ để về nhà mỗi khi trời có mưa, bởi vì đường sá nơi nào cũng chìm trong biển nước bẩn.

Nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Tăng Cường, giám đốc công ty Quang Trung, nơi đang cho Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn thuê máy bơm chống ngập với giá 14.2 tỷ đồng ($617,489)/năm, cho biết cơn mưa chiều 3 Tháng Sáu, chỉ trong 48 phút đã khiến nước dâng lên tới 48.8 cm, biến “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh thành sông.

Theo đó, đoạn từ cầu Thủ Thiêm (quận 2) đổ về tới cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) ngập sâu tới nửa mét. Xe hơi, xe gắn máy chôn chân dưới “lòng sông” kéo dài hàng cây số. Dòng người ùn ứ đổ về phía chân cầu Sài Gòn, nhập cùng làn xe từ hướng đường Điện Biên Phủ (trong nội thành) đổ lại khiến khu vực cửa ngõ thành phố gần như tê liệt, tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ.

Tương tự, hàng ngàn người dân đi trên các đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí… chật vật trong làn nước dâng tới quá nửa bánh xe.

“Chuyện ngập như thế này không phải mới đây mà đã mười mấy năm nay rồi, không cách nào khắc phục được, hễ có mưa là nước đổ về. Nhà cửa lênh láng nước, nửa đêm nửa hôm có mưa là ngập,” chị Võ Thị Lan (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức) bất bình nói.

Dù tình trạng thực tế là vậy, song tại buổi họp báo về “Tình hình kinh tế xã hội ở Sài Gòn” chiều 4 Tháng Sáu, ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở Xây Dựng thành phố, cho biết: “Tổng kết bốn năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 đã giải quyết được 25/36 đường trục chính ngập do mưa. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ xóa được 9/9 đường trục chính bị ngập do mưa và triều cường.”

Giải thích với báo Lao Động về việc nhiều khu vực trong thành phố ngập sâu sau những cơn mưa đầu mùa, ông Khiết cho rằng “Nguyên nhân do các dự án chống ngập đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh.”

Tuy nhiên, trên thực tế trước khi mùa mưa 2020 đến, hàng loạt con đường từ cửa ngõ đến nội thành của Sài Gòn đã biến thành sông do triều dâng.

Chưa kể, dự án “Giải Quyết Ngập Do Triều Khu Vực Sài Gòn Có Xét Đến Biến Đổi Khí Hậu Giai Đoạn 1” 10,000 tỷ đồng ($435.08 triệu), một trong những dự án chống ngập quan trọng nhất, được “kỳ vọng kiểm soát ngập do triều cho vùng diện tích 750 cây số vuông, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố,” vẫn đang vướng mặt bằng và tiếp tục xin lùi thời gian, chưa biết có thể hoàn thành trong năm nay hay không.

Giải thích về những con số báo cáo không như thực tế, đại diện Sở Xây Dựng cho biết “do các dự án được duyệt theo tiêu chuẩn thiết kế quy định trong Quyết Định 752 của thủ tướng không còn phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nên khi mưa lớn, vượt tần suất thiết kế vẫn xuất hiện ngập. Trong khi đó, việc đánh giá lại các quy hoạch để điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế còn chậm.”

Hàng ngàn người dân Sài Gòn vất vả lội nước trong cơn mưa chiều 3 Tháng Sáu. (Hình: Ngọc Dương/Thanh Niên)

Thế nhưng, theo báo Thanh Niên nhìn bảng mục tiêu và giải pháp thực hiện công tác chống ngập mà Sở Xây Dựng dự kiến khai triển trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025, vẫn là những giải pháp cũ, những cái tên công trình cũ chưa thực hiện, “vắt” từ giai đoạn này sang giai đoạn tới suốt hàng thập niên chưa xong.

Danh sách các công trình lên tới gần 70, trong đó có rất nhiều dự án “kếch xù” như xây dựng bảy hồ điều tiết ngầm; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm…

Kiến Trúc Sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc Sài Gòn loay hoay “càng chống càng ngập” là kết quả của sự thiếu đồng bộ, manh mún trong quy hoạch các công trình chống ngập. Việc buông lỏng cấp phép xây dựng khiến công tác đánh giá báo cáo tác động môi trường của các dự án không hiệu quả.

“Muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường. Đối với các con đường trung tâm cũng vậy, nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập. Do đó, chính quyền cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng…,” ông Sơn gợi ý. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT