Friday, April 26, 2024

‘Đụng hàng’ Trung Quốc, dân trồng vải ở Bắc Giang lao đao

BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Chỉ mới đầu vụ nhưng giá trái vải liên tục rớt giá mạnh, do trúng mùa nhưng Trung Quốc không mua đã khiến nhiều người dân trồng vải ở xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, lo lắng về một vụ “được mùa lại mất giá.”

Theo báo Người Lao Động, giá trái vải các giống chín sớm (chưa phải vải thiều) tại Sài Gòn vào ngày 1 Tháng Sáu chỉ còn 20,000 đến 30,000 đồng/kg (khoảng $1), giảm chỉ còn một nửa so với cách đây 10 ngày. Các xe đẩy bán rong tại Sài Gòn đang bán nhiều trái vải nhưng tiêu thụ không mạnh như trước do mùa trái cây Nam Bộ đã bắt đầu, người dân có nhiều lựa chọn khi mua các loại trái cây ưa thích.

Đại diện công ty Quản Lý Chợ Đầu Mối Hóc Môn, Sài Gòn, cho biết trái vải về chợ bằng container lạnh từ ngày 27 Tháng Năm, mỗi ngày 20 đến 80 tấn. Trước đó, một số sạp có bán trái vải với số lượng nhỏ được vận chuyển bằng đường hàng không. So với cùng thời điểm năm ngoái thì năm nay mới đầu mùa hàng đã về rộ.

Theo báo Tuổi Trẻ, trong ngày 31 Tháng Năm tại vùng trồng vải ở huyện Lục Ngạn, người dân trồng vải ở các xã đã bắt đầu thu hoạch vải chín sớm giống u hồng, u trứng. Tuy nhiên, giá vải đầu mùa liên tục rớt giá, hiện còn 6,000 đến 8,000 đồng/kg, khiến nhiều người dân trồng vải lo lắng. Một số người dân có trái vải loại đẹp vẫn kiên quyết giữ giá 10,000 đồng/kg.

Một lái buôn lựa vải từ người dân để đóng hàng vào các tỉnh phía Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ông Trần Văn Lợi (xã Mỹ An) cho hay những ngày qua, vải liên tục rớt giá, thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái. Ban đầu, vải u hồng có giá trung bình từ 13,000 đến 15,000 đồng/kg, hai hôm trước thì còn 10,000 đến 13,000 đồng/kg, nhưng đến nay vải bắt đầu rộ thì thương lái chỉ trả 7,000 đồng/kg, thậm chí có loại xấu chỉ còn 4,000 đồng/kg.

Theo nhiều người dân trồng vải tại Lục Ngạn, giá vải đầu mùa so với năm ngoái nay chỉ bằng 1/3, 1/4. “Cứ đà này, năm nay chúng tôi không đủ tiền phân bón, chăm sóc. Nếu độ nửa tháng nữa, khi vải bước vào thu chính vụ mà sức mua chậm, số lượng xuất khẩu mà ít… thì giá có lẽ còn rẻ nữa, có khi xuống tới mức 2,000 đến 4,000 đồng/kg, như vài năm về trước giá vải rớt xuống ‘đáy,’ thì người nông dân không chỉ buồn mà còn… khóc vì thua lỗ!” bà Hồ Thị Thanh (thôn An Phú, xã Mỹ An) chia sẻ.

Ủy Ban Nhân Dân huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay có khoảng 1,850 hécta vải chín sớm gồm các giống Bình Khê, u trứng, u thâm, u hồng, lai Thanh Hà… Sản lượng năm nay ước đạt từ 13,000 đến 15,000 tấn quả tươi, tăng 1,000 tấn so với vụ trước.

Nhiều người dân cho hay, giá vải đầu mùa giảm mạnh do vải được mùa dẫn đến số lượng vải lớn. Hơn nữa, đến thời điểm này vẫn chưa thấy các thương lái Trung Quốc tới mua, trong khi thị trường tiêu thụ vải ở trong nước có hạn.

Giá vải đầu mùa tại Lục Ngạn rớt mạnh ngay những ngày đầu thu hoạch khiến người dân vô cùng lo lắng và ngán ngẩm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nói với báo Người Lao Động, ông Chu Văn Giáp (nhà vườn ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có lô trái vải xuất cảng đầu tiên sang Mỹ vào năm 2015), cho biết: “Hiện mới có các giống trái vải chín sớm, còn vải thiều vẫn chưa đến mùa thu hoạch nhưng giá đã giảm rất sâu. Hiện nay, trái vải đẹp nhà vườn bán chỉ 10,000 đồng/kg, còn loại hình thức xấu giá giảm một nửa nhưng rất khó bán. Với giá này, nông dân không có lãi. Tình hình tiêu thụ khó khăn, nhà tôi đang chuyển dần vườn trồng cây vải sang cây có múi.”

Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương) cho biết từ giữa Tháng Năm, 2018, đảo Hải Nam (Trung Quốc) chính thức bước vào vụ thu hoạch trái vải. Diện tích trồng cây vải ở đảo này là 7,600 hécta, sản lượng đạt khoảng 300,000 tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm, tăng 30% so với năm 2017.

Trong khi đó, khu vực phía Bắc năm nay thời tiết thuận lợi nên không chỉ trái vải mà các cây ăn quả khác như nhãn, cam, quýt, đều sinh trưởng tốt, có thể được mùa trong Tháng Sáu.

Báo Người Lao Động cho hay, Việt Nam mở cửa thành công quả vải tươi vào Mỹ từ năm 2015 nhưng sản lượng xuất cảng hằng năm rất thấp do thiếu công nghệ bảo quản, không thể xuất cảng bằng đường tàu biển. Năm 2018 này, chưa có lô trái vải nào được doanh nghiệp xuất cảng sang Mỹ. (Tr.N)

Giáo phận St.Paul, Minnesota đồng ý trả $210 triệu để dàn xếp các vụ kiện xâm phạm tình dục

MỚI CẬP NHẬT