Friday, May 17, 2024

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa biết khi nào ‘vận hành thương mại’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đầy tai tiếng, cứ lùi mãi thời gian bắt đầu khai thác vận hành thương mại mà đến ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc cũng không biết còn lùi đến bao giờ.

Hôm Chủ Nhật, tờ Tiền Phong thuật lại văn bản mà ông Phúc trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội sốt ruột vì dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hứa hẹn rồi liên tục lỡ hẹn từ năm này sang năm khác, nay đã sang năm 2020.

“Bao giờ tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) được đưa vào vận hành thương mại? Trách nhiệm để chậm này thuộc về tổ chức, cá nhân nào?”, Bà Bùi Huyền Mai thuộc đoàn “đại biểu quốc hội” thành phố Hà Nội đặt câu hỏi với ông Phúc.

Văn bản trả lời được báo Tiền Phong thuật lại là “dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh-Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.” Tức là chính ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chẳng biết gì hơn.

Nhà cầm quyền Việt Nam ký thỏa hiệp vay tiền của Trung Quốc để làm dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bên cạnh một số dự án đường sắt khác nhằm giải tỏa nạn kẹt xe kinh niên trên các đường phố. Tuy nhiên hợp đồng ký kết lại có các điều khoản mù mờ, bất lợi cho chủ đầu tư từng bị chỉ trích rất nhiều trước đây.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13.5 km, vốn đầu tư khởi đầu hơn $552 triệu. Làm dở dang, nhà thầu Trung Quốc ì ra, nói hết tiền đòi phải thêm tiền mới làm tiếp. Nhà cầm quyền Việt Nam phải chấp nhận vay thêm, tăng đầu tư vào dự án lên thành $891.9 triệu.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay thêm vào năm 2017. Dự án khởi công Tháng Mười, 2011, nhưng tới nay chỉ còn 1% chưa hoàn tất dù qua 5 đời bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, lần lượt gồm các ông Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong một lần chạy thử hồi Tháng Chín, 2018. (Hình: Getty Images)

Năm ngoái, người ta thấy Việt Nam thuê tư vấn độc lập ACT của Pháp đến để làm báo cáo đánh giá an toàn. Nhưng họ gặp khó khăn vì tổng thầu Trung Quốc không chịu cung cấp các tài liệu, chứng từ cần thiết. Nhì nhằng mãi, Cục Đăng Kiểm của Bộ Giao Thông Vận Tải “cũng đã hoàn thành việc cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho 13 đoàn tàu của dự án để có thể vận hành toàn hệ thống.” Dù vậy dự án “vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức do còn một số hạng mục vẫn chưa thể hoàn thành,” theo tờ Dân Việt ngày 3 Tháng Giêng, 2020.

Như báo Dân Việt nêu ra và từng được nhiều báo tại Việt Nam nói đến hồi năm ngoái, “Theo Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt (Bộ Giao Thông Vận Tải), hiện các hạng mục xây dựng trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng; các hạng mục thiết bị đã lắp đặt khoảng 90%, vật tư thiết bị đã nhập khẩu, chuyển đến công trường đạt khoảng 99% (chưa bao gồm thiết bị dự phòng), đã căn chỉnh đồng bộ và chạy thử được 5 chuyên ngành liên quan đến chạy tàu.”

Những thứ còn lại trong 1% khối lượng xây dựng và các thủ tục nghiệm thu hoàn chỉnh để kết thúc dự án nhưng đều ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu tổng thể từng hạng mục và toàn dự án, gồm: “lắp đặt mái che thang cuốn tại nhà ga, thoát nước ga vành đai 3, hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp đặt hoàn thiện liên hoàn nhiều hệ thống thiết bị, vận hành thử toàn bộ hệ thống… Do đó, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ tiếp tục lùi hạn khánh thành dù đã sang năm 2020.”

Vì kẹt không thể bắt đầu chạy khai thác thương mại, hôm 15 Tháng Giêng, 2020, tờ tiền Phong nói Bộ Giao Thông Vận Tải đã “yêu cầu tổng giám đốc Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc (Tổng Thầu EPC) sang Việt Nam làm việc” để “thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) vào khai thác thương mại.”

Không thấy có tin gì cho biết ông nay có sang Việt Nam không mà chỉ thấy ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, không biết đến bao giờ đường sắt Cát Linh-Hà Đông bắt đầu khai thác thương mại. (TN)

MỚI CẬP NHẬT