Friday, April 26, 2024

Giới luật sư thách đấu báo Pháp Luật vì ‘theo đuôi chính quyền’ vụ Lộc Hưng

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 24 Tháng Giêng, giới luật sư tại Việt Nam công khai “thách đấu pháp lý” với báo Pháp Luật TP.HCM vì tờ này bị cho là đưa tin “hóng hớt chính quyền” về vụ Vườn Rau Lộc Hưng.

Bài “Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý” trên báo Pháp Luật TP.HCM cùng ngày ghi: “Cần phải khẳng định là: Sau 30 Tháng Tư, 1975, khu vườn rau phường 6, quận Tân Bình thuộc khu đất 6.8 hécta đã thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước. Việc tiếp quản, quản lý đất được chính quyền thực hiện theo Điều 1 Phần IV Quyết Định 111/CP ngày 14 Tháng Tư, 1977, của Hội Đồng Chính Phủ là đúng quy định, đảm bảo được nguyên tắc chung của các luật đất đai. Đó là ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý.'”

“Chính quyền không thể xét cấp giấy chứng nhận cho những hộ dân ở khu vườn rau, nhất là khi họ không thỏa được điều kiện luật định nào. Các hộ không có giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp…,” tờ báo viết.

Lâu nay, việc một cơ quan truyền thông thuộc Sở Tư Pháp thành phố ở Sài Gòn viết tuyên truyền theo chủ ý của nhà cầm quyền không có gì lạ. Tuy vậy, có thể hiểu được sự khó chịu của giới luật sư trong vụ này là vì tờ Pháp Luật TP.HCM khẳng định bài báo của họ là “dựa trên các thông tin pháp lý được minh định” nhưng lại không dám nêu danh tính tác giả bài báo ngoài dòng chữ “Nhóm PV” (phóng viên) ở cuối bài.

“Nhóm phóng viên” được cho là cách các tòa soạn báo ở Việt Nam ghi tên tác giả đối với những bài viết có nhiều phóng viên thực hiện. Nhưng cũng có thể hiểu đây là cách ghi tên tác giả của những bài mà Ban Biên Tập đoán trước là sẽ vấp phải phản ứng bất lợi từ bạn đọc.

Vườn Rau Lộc Hưng hoang tàn đổ nát của sau khi bị cưỡng chế. (Hình: Người Đô Thị)

Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội viết trên trang cá nhân: “Nếu báo Pháp Luật TP.HCM có can đảm, hãy nhận lời ‘thách đấu pháp lý’ của chúng tôi! Nhóm phóng viên của tờ báo này gồm những ai, sao không dám kể tên ra? Đọc bài của nhóm phóng viên này, hoá ra nghề nhà báo đơn giản thật, chỉ hóng hớt từ phía chính quyền, rồi đưa tin. Trong khi không dám nêu ai trong chính quyền thông báo cho họ? Ý kiến của người dân cụ thể nào ra sao? Sao không đề cập đến những sai trái của chính quyền đã được người dân Vườn Rau Lộc Hưng nêu ra và nhiều luật sư trong nhóm Luật Sư Lộc Hưng phân tích.”

Tuy thế, Luật Sư Hải cũng nêu suy đoán rằng có thể báo Pháp Luật TP.HCM bị “ép đăng” bài với mục tiêu tuyên truyền chính sách nhà nước, trong bối cảnh vụ chính quyền cướp đất Vườn rau Lộc Hưng đang ngày càng gây căng thẳng dư luận.

Khi hai đợt cưỡng chế nhà đất tại khu vực nêu trên xảy ra hôm 4 và 8 Tháng Giêng, 2019, các báo Việt Nam giữ im lặng tuyệt đối cho đến khi họ được lệnh của Ban Tuyên Giáo là đăng bài theo hướng “lực lượng chức năng cưỡng chế tháo dỡ 112 công trình xây dựng trái phép” và sau đó là “người dân Lộc Hưng nhận hỗ trợ hàng tỷ đồng từ chính quyền”…

Gần như tất cả các bài trên báo nhà nước chỉ dẫn lời phát ngôn của giới chức phường 6 và quận Tân Bình, nhưng ẩn danh, và bỏ qua ý kiến của dân oan Lộc Hưng. Trong chiều hướng tuyên truyền đó, hiếm hoi có tờ Người Đô Thị được cộng đồng mạng tán tưởng với bài báo “Cưỡng chế ‘Vườn Rau Lộc Hưng’: Người dân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới trung ương” đăng hôm 20 Tháng Giêng.

“…Còn nhiều những gương mặt lam lũ lướt qua những đống đổ nát ngổn ngang. Một số gia đình đã tản mác đi đâu không rõ. Hàng xóm láng giềng vội vã giã biệt nhau. Nhưng cứ đến cuối tuần thì họ lại lục tục trở về, rì rầm cầu nguyện trước đài Đức Mẹ, công trình duy nhất còn vẹn nguyên trên Vườn Rau Lộc Hưng. Người Đô Thị sẽ tiếp tục phản ánh đa chiều vụ việc này khi có diễn biến mới,” tờ báo viết. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT