Friday, April 26, 2024

6 người trong ‘vụ án Đồng Tâm’ sắp ra tòa phúc thẩm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Lê Đình Công và bốn người liên quan vụ “chống đối ở Đồng Tâm” có đơn xin giảm nhẹ án tù, sẽ ra tòa trong phiên xử phúc thẩm vào Tháng Ba tới. Riêng bà Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng tình với bản án sơ thẩm.

Ngày 24 Tháng Hai, Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội cho biết dự kiến từ ngày 8 đến 10 Tháng Ba sẽ mở phiên xét xử cấp phúc thẩm sáu bị cáo trong số 29 bị cáo liên quan vụ “chống đối lực lượng hữu trách” hồi Tháng Giêng, 2020, ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm bị Viện Kiểm Sát cáo buộc tội “Giết người” nhưng rồi chuyển sang tội “Chống người thi hành công vụ.” (Hình: N.H/Zing)

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, các ông Lê Đình Công (57 tuổi), Lê Đình Chức (41 tuổi), Lê Đình Doanh (33 tuổi), Bùi Viết Hiểu (78 tuổi), Nguyễn Quốc Tiến (41 tuổi) và bà Bùi Thị Nối (70 tuổi) chuẩn bị hầu tòa phúc thẩm với cáo buộc là “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ.”

Trong đơn gửi tòa cấp cao, ông Lê Đình Công và bốn người trên cho rằng mức án sơ thẩm dành cho họ quá nặng. Riêng bà Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị cấp phúc thẩm “xem xét lại.”

Báo Người Lao Động cho biết trước đó chiều 14 Tháng Chín, 2020, Tòa Án Nhân Dân Hà Nội đã tuyên tử hình ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, hai con trai của ông Lê Đình Kình về tội “Giết người” sau khi cho rằng họ là chủ mưu, cầm đầu vụ “chống đối ở thôn Hoành.”

Cùng tội danh trên, tòa tuyên ông Lê Đình Doanh, con trai ông Công và là cháu nội ông Kình, án chung thân cũng với cáo buộc “Giết người.” Hai ông Bùi Viết Hiểu lãnh 16 năm tù, và ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. Các bị cáo còn lại lĩnh mức án từ 15 tháng tù treo đến 12 năm tù giam.

Các mức đề nghị án nêu trên không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, vì trước giờ phiên tòa mở, nhà cầm quyền CSVN đã huy động hệ thống báo nhà nước đăng nhiều bài cáo buộc, đe dọa sẽ có “mức án thích đáng” cho các bị cáo.

Đáng lưu ý, trong lúc báo nhà nước chủ yếu đưa tin một chiều về diễn biến phiên tòa để “định hướng dư luận,” các luật sư trong nhóm bào chữa cho bị cáo đã phơi bày mặt trái của việc xét xử.

Theo bản án của tòa Hà Nội được báo Zing dẫn lại thì đất đồng Sênh ở xã Đồng Tâm “là đất quốc phòng” nhưng từ năm 2013, các bị cáo trong vụ án thành lập “Tổ Đồng Thuận” với mục đích “chiếm mảnh đất trên” để chia nhau. Từ năm 2017 và đầu năm 2020, “Tổ Đồng Thuận” lôi kéo, gây ra nhiều vụ mất trật tự công cộng ở địa phương.

Hội Đồng Xét Xử xác định “Lê Đình Công đã chủ trì các cuộc họp tại nhà ông Lê Đình Kình để lôi kéo người khác tấn công lực lượng hữu trách. Một số người thống nhất mua 10 quả lựu đạn tấn công lực lượng hữu trách.”

Báo Zing viết: “Rạng sáng 9 Tháng Giêng, 2020, khi lực lượng chức năng đến làm nhiệm vụ, các bị cáo ném lựu đạn, bom xăng, gạch đá tấn công những người thực thi công vụ. Hành vi nhiều lần đổ xăng xuống hố của Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh là nguyên nhân trực tiếp khiến ba cảnh sát hy sinh.”

Còn ông Lê Đình Kình, thủ lãnh của cuộc đấu tranh giữ đất, bị bắn chết với rất nhiều vết đạn trên người.

Trước đó, trong nhiều tháng liền, chi tiết ông Kình “đến lúc chết vẫn cầm trên tay lựu đạn” được nhiều báo đảng nhấn mạnh mỗi khi tường thuật vụ án để tuyên truyền theo “định hướng” của Bộ Công An CSVN rằng người thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm “chống đối đến cùng.”

Lực lượng Cảnh Sát Cơ Động được đưa tới đàn áp dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 9 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Facebook)

Bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kinh, từng làm đơn tố cáo công an giết người, cướp tài sản khi tấn công xã Đồng Tâm. Dân Đồng Tâm là nạn nhân của một vụ cướp của giết người, thủ phạm là nhà cầm quyền, thì bị biến thành thủ phạm của vụ chống đối để bị áp đặt các bản án bất công với án nặng nhất đến tử hình.

Vụ đàn áp đêm 9 Tháng Giêng, 2020, làm rúng rộng dư luận trong và ngoài nước, nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là một tội ác “trời không dung, đất không tha.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT