Friday, April 26, 2024

Hàng trăm người đã ký tên trên ‘Yêu sách’ đòi CSVN trả lại quyền cho dân

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội loan truyền rộng rãi một bản “Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam” đòi chế độ Hà Nội trả lại tất cả các quyên dân sự và chính trị mà họ đang tước đoạt dù có trong hiến pháp.

Từ ngày 19 Tháng Mười Hai, 2018, người ta thấy xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội một bản yêu sách của 100 tổ chức và cá nhân người Việt Nam trong ngoài nước phổ biến qua trang thông tin vận động toàn cầu Change.org với tiêu đề “Yêu sách tám điểm năm 2019 của người dân Việt Nam.”

Bốn ngày sau khi công bố, hơn 600 người đã tham gia ký tên ủng hộ bản yêu sách và số người tham gia ký tên trên mạng Change.org tiếp tục gia tăng. Những ai muốn tham gia ký tên có thể vào địa chỉ:

<< http://bit.ly/yeusach1919 >>

hay là :

<< https://www.change.org/p/ban-lãnh-đạo-nhà-nước-việt-nam-yêu-sách-tám-điểm-năm-2019-của-người-dân-việt-nam? >>

Bản yêu sách gửi đến “Toàn thể nhân dân Việt Nam và người Việt sống ở nước ngoài đồng thời gửi tới ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam” với mục đích đòi hỏi chế độ Hà Nội phải thi hành 8 điểm mà từ 100 năm trước, chính Nguyễn Ái Quốc đã đòi thực dân Pháp phải thi hành tại Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam không còn là thuộc địa của thực dân Pháp nhưng những điều mà nhóm 5 người ký tên chung “Nguyễn Ái Quắc” có Nguyễn Tất Thành tức tên tục của Hồ Chí Minh đòi Pháp phải thi hành, cũng vẫn không có trong thực tế. Một trăm tập thể và cá nhân nhắc lại chuyện 100 năm trước chính kẻ đã rước chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, và những kẻ tiếp nối theo ông ta, vẫn ngang nhiên tước đoạt.

“Một trăm năm trước, năm 1919, một bản “Yêu sách của dân tộc An Nam” (Revendications du Peuple Annamite) do một nhóm người Việt Nam yêu nước soạn thảo và ký tên là Nguyễn Ái Quắc được gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), họp tại cung điện Versailles, Paris, Pháp.” Trong đó bản yêu sách gồm 8 điểm như sau:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Những người ký tên trên bản “Yêu sách năm 2019” nhắc lại là suốt một trăm năm qua, hằng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hy sinh để giành lấy những quyền căn bản mà yêu sách 1919 đã nêu.

“Đảng cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, khẳng định rằng Hồ Chí Minh, lãnh tụ của đảng, chính là Nguyễn Ái Quắc, người đứng tên ký bản yêu sách 1919.” Bản yêu sách 2019 viết. “Vậy mà, một trăm năm sau, dưới quyền toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam, phần lớn những điểm nêu trong yêu sách 1919, tuy đã được thể hiện trong Hiến Pháp của một nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập, và được Nhà nước Việt Nam long trọng cam kết trong những hiệp ước, tuyên ngôn quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhưng trên thực tế đã không được thực thi hoặc bị bóp méo, bị hạn chế tối đa khi thi hành, thậm chí thi hành trái ngược.”

Trước thực tế như thế, các người ký tên trên bản yêu sách 2019 đòi 8 điểm như sau:

1. Trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người thực hiện quyền tự do biểu đạt đã bị toà án Việt Nam tuỳ tiện quy kết là “gây rối trật tự,” “tuyên truyền chống nhà nước,” “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”…;

2. Cải cách căn bản nền pháp lý để mọi người dân được hưởng các đảm bảo pháp lý như nhau, xoá bỏ những luật và điều luật đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân (như những người biểu tình ôn hoà đòi quyền lợi chính đáng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền đất nước…, những người phản biện chính sách, những người đối lập chính trị…);

3. Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, chấm dứt chế độ kiểm duyệt dưới mọi hình thức (bao gồm các quy định kiểm soát thông tin trên mạng);

4. Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp;

5. Đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về;

6. Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hóa trường học;

7. Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với Hiến Pháp. Thực hiện trưng cầu ý dân đối với những luật có tác động lớn đến đời sống của đông đảo người dân và an nguy của quốc gia. Lấy pháp trị thay cho đảng trị (của đảng cộng sản), tiến tới phân lập ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp;

8. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế “đảng cử dân bầu.”

Các người ký tên trên yêu sách 2019 “hoàn toàn tin tưởng rằng, việc nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu Sách Tám Điểm về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa nước Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, và nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang; để từng bước phát triển bền vững, thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”

Họ kêu gọi “mọi người dân Việt Nam hãy thực hiện các quyền hiến định của mình mà không đợi ai cho phép; bằng cách đó gây sức ép để buộc chính quyền ban hành và thực thi các luật đảm bảo những quyền hiến định, nghiêm trị bất kỳ ai hay tổ chức nào cản trở việc công dân Việt Nam thực hiện những quyền thiêng liêng đó của mình”.

Đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nước đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.

Hàng trăm người dân Việt Nam bị chế độ độc tài đảng trị theo đường lối Công Sản do Hồ Chí Minh rước về nước, bắt giữ, qui chụp lên đầu họ những tội danh dựa trên các điều luật hình sự mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là “mơ hồ,” “không tương ứng với luật lệ quốc tế,” đặc biệt là công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chế độ Hà nội ký tên tham gia, cam kết tuân hành.

Tất cả các hội đoàn, tổ chức được phép hoạt động tại Việt Nam đều là cánh tay nối dài của đảng CSVN và phải nằm trong cái dù “Mặt trận tổ quốc.” Không những các cuộc biểu tình chống đối chính sách của nhà nước bị đàn áp, thành phần dân chúng kêu gọi dân chủ hóa đất nước bị coi là “phản động” đều bị theo dõi, khủng bố thường xuyên. Tất cả các quyền tự do hộp họp, lập hội, tự do thông tin báo chí đều không có. Tự ứng cử vào các cơ quan lập pháp chỉ là chuyện không tưởng. (TN)

MỚI CẬP NHẬT