Wednesday, May 15, 2024

Hoàng Lê Giang, người Việt đầu tiên được chọn thám hiểm Bắc Cực

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Thám hiểm Bắc Cực không phải là điều mới mẻ với nhiều người trên thế giới. Nhưng câu chuyện một chàng trai Việt Nam vượt qua hơn 4,000 người ghi danh trong nhóm “Other countries,” để trở thành người Đông Nam Á đầu tiên được cộng đồng Facebook bình chọn tham gia hành trình tìm hiểu Bắc Cực hoàn toàn miễn phí thật sự thú vị với nhiều người.

Chàng trai đó là Hoàng Lê Giang, tròn 29 tuổi vào ngày 26 Tháng Giêng vừa qua, từng tốt nghiệp ngành Quản Trị Kinh Doanh ở Thụy Điển bằng học bổng toàn phần, hiện làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên về ‘online marketing,’ đồng thời có một công ty riêng chuyên điều hành quản lý quán cà phê và nhà hàng cho những người có nhu cầu.

Người thắng cuộc đến từ quốc gia không có tên trong danh sách

Hành trình đến Bắc Cực mà Giang sẽ tham gia vào đầu Tháng Tư này mang tên ‘Fjällräven Polar,” nhãn hiệu của một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm dã ngoại nổi tiếng của Thụy Điển.

“Có 24 người đại diện cho 12 khu vực trên khắp thế giới sẽ tham gia hành trình dài 300 km, bằng xe chó kéo, ở nơi nằm về phía Bắc Na Uy. Trong chuyến đi, ban tổ chức sẽ huấn luyện cho mình kỹ năng sống còn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cũng như mình sẽ được học thêm các kỹ năng tìm phương hướng ra sao, điều khiển xe chó kéo như thế nào. Người thắng trong cuộc bình chọn sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí máy bay, ăn ở cũng như tất cả trang phục trong chuyến đi kéo dài một tuần,” Giang cho biết.

Hoàng Lê Giang tại Nhật báo Người Việt trong lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Hoàng Lê Giang tại Nhật báo Người Việt trong lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Để bảo trợ cho chuyến đi này, Fjällräven Polar cho phép những quốc gia được xem là “khách hàng lớn” của họ, bao gồm: Benelux (khối ba nước Bỉ, Phần Lan, Luxembourg), Hungary, Slovakia, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Na Uy, Nam Hàn, Thụy Điển, Anh và Mỹ được ghi danh và bình chọn mỗi nơi hai thành viên tham gia. Trong khi đó, tất cả các quốc gia còn lại họ xếp chung vào nhóm “các nước khác” và cũng được ghi danh để chọn… một người duy nhất. Tuy nhiên, trong số những nước họ liệt kê lại không có tên Việt Nam!

“Tôi email cho ban tổ chức hai lần đề nghị họ ghi tên Việt Nam vào danh sách để tôi có thể tham dự cuộc thi. Sau cùng, họ để tên ‘Việt Nam’ vào, thế là có cơ hội tôi ghi danh,” chàng trai có mái tóc dài chấm vai, mang nét phong trần như những nhân vật giang hồ lãng tử trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, kể.

Hơn 4,000 người ghi danh tham dự cuộc bình chọn trong nhóm “Các nước khác” và Giang trở thành người chiến thắng với 113,800 “votes” – kỷ lục từ trước tới nay của cuộc thi này.

Hành trình dành cho sự đam mê

Theo Giang, tiêu chuẩn để có thể ghi danh tham gia cuộc bình chọn trên Facebook khá đơn giản, “chỉ cần trên 18 tuổi, có tập luyện thể thao, và được sự bình chọn cao nhất của khu vực.”

“Thông điệp ban tổ chức muốn gửi ra là không cần phải là vận động viên, chuyên gia hay không cần phải qua một lớp huấn luyện đặc biệt nào của quân đội, mà chỉ là một người bình thường nhưng nếu mình có một sự chuẩn bị kỹ càng, có đam mê thì mình sẽ vượt qua được những hoàn cảnh khắc nghiệt,” Giang nói.

Tuy nhiên, chàng trai cũng cho biết, “Tôi có email hỏi nếu người tham gia không có thể lực, không có điều kiện sức khỏe thì sao. Họ trả lời rằng kinh nghiệm tổ chức bao nhiêu năm cho biết nếu tự nhận ra mình không có khả năng thì chả ai ghi danh tham gia một hành trình như vậy. Đồng thời, kinh nghiệm của những người đã qua hành trình này truyền lại thì trước khi đi vài tháng, ai cũng ráo riết tập luyện, dù ban tổ chức không yêu cầu, nhưng những ai yêu thích các loại hình hoạt động dã ngoại đều tự hiểu là phải tự tập luyện, tự trang bị kiến thức cho mình.”

Hoang-Le-Giang-02
Hoàng Lê Giang tại Ấn Độ (Hình: Hoàng Lê Giang cung cấp)

Nói về việc tập luyện thể lực trước chuyến đi, Giang tiết lộ, “Tôi thường hay đi leo núi và tập chơi ba môn phối hợp, nên cường độ tập luyện đã nhiều, không thể tập hơn vì còn phải làm đến hai ‘jobs,’ nhưng để chuẩn bị thì cũng có vào website xem hướng dẫn ăn uống ra sao, chuẩn bị trang phục thế nào.”

“Hành trình khám phá Bắc Cực cũng khá giống những lần tôi leo núi, chỉ khác là thời tiết khắc nghiệt hơn, vì những lần tôi leo núi nơi lạnh nhất ở phía Bắc Ấn Độ cũng chỉ vào khoảng âm 20 độ C thôi, còn lần này thì âm 30 C độ trở xuống. Ngoài ra cũng chuẩn bị xem mình nên quay phim chụp ảnh như thế nào,” chàng trai cho hay.

Không chỉ vậy, khi bài báo này lên khuôn, cũng là lúc chàng trai có nét mặt góc cạnh đầy cá tính đã đến Alaska, làm thiện nguyện cho một khách sạn để được ăn ở miễn phí trong ba tuần để chuẩn bị thêm kinh nghiệm cho chuyến đi mơ ước sắp tới.

Giang kể một cách thú vị, “Lúc nhập cảnh vào Mỹ, nhân viên hải quan hỏi tôi hơi nhiều, có lẽ họ thấy lạ vì lần đầu tiên tôi đến Mỹ mà lại có ý định sẽ đến Alaska, nhất là vào mùa này thời tiết rất lạnh, có khi dưới âm 30 độ C, có khi còn lạnh hơn cả hành trình Bắc Cực vào Tháng Tư tới không chừng.”

Lý do Giang đến Alaska là vì “Tôi muốn đến đó để chụp Bắc Cực quang, để xem máy móc chụp hình ở điều kiện dưới âm 30 độ C hoạt động như thế nào, để tích lũy kinh nghiệm.”

Mời độc giả xem phỏng vấn: Hoàng Lê Giang, người Việt đầu tiên được chọn thám hiểm Bắc Cực (P1)

Mời độc giả xem phỏng vấn: Hoàng Lê Giang, người Việt đầu tiên được chọn thám hiểm Bắc Cực (P2)

Từ leo núi rút ra bài học cho cuộc sống

Giang nhớ lại, “Lúc còn đi học, người ta chỉ nói về những người giỏi Toán, Lý, Hóa, hay Văn thôi, đâu có ai nói người giỏi môn Địa Lý, trong khi giờ nhìn lại tôi thấy mình có năng khiếu về môn này.”

“Tôi đã thích coi các chương trình Thế Giới Đó Đây, tôi nhớ được tên của thủ đô các nước, nhớ đến địa danh của nhiều nước, biết đặc điểm địa lý của nhiều nơi. Và từ những gì mình biết, xem những hình ảnh trong phim, tôi muốn có những trải nghiệm với nó khi có cơ hội,” Giang nói về khởi nguồn của ước mơ được đi đây đó, khám phá thế giới.

Giang cho biết, “Tính luôn Mỹ là 31 quốc gia tôi đã đi qua, kể từ năm 19 tuổi. Ngày trước, khi còn đi học ở Châu Âu, tôi hay đi du lịch bụi, cứ xách ba lô lên là đi. Mấy năm gần đây tôi chỉ đi leo núi quanh quanh hai nước Ấn Độ và Nepal.”

Hoang-Le-Giang-03
Hoàng Lê Giang tại Nepal (Hình: Hoàng Lê Giang cung cấp)

“Nếu cách đây bốn, năm năm mà nói tôi đi Bắc cực thì tôi thấy là chuyện xa vời. Nhưng giờ biết khả năng của mình, tôi xem đó là sự thử thách bản thân, nếu đi sẽ cảm thấy vui và có những trải nghiệm mới,” Giang nói.

Trả lời cho câu hỏi, “Những hình ảnh trong phim liên quan đến những nguy hiểm khi đi leo núi, như lỡ trượt tay, lỡ bị lạc, lỡ bị rơi… có làm cho Giang sợ không, hay lại kích thích thêm sự tò mò muốn trải nghiệm của bạn?” Giang từ tốn đáp, “Khi chưa đi, xem phim thì nghĩ ‘thực tế chắc không đến nỗi, vì phim ưa làm quá lên.’ Nhưng khi đi rồi sẽ thấy thực tế còn nguy hiểm hơn trong phim nữa.”

“Nhưng chuyến đi có hấp dẫn, có thú vị lại cũng chính từ những điều như vậy. Chuyến đi thành công đến từ sự chuẩn bị của bản thân, sự cẩn thận của mình, và sự phối hợp với đồng đội. Mỗi lần đi mình lại thấy mình trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống. Thực ra có nhiều bài học từ việc đi leo núi tôi áp dụng vào trong việc kinh doanh và cuộc sống hằng ngày của mình,” chàng “lãng tử kỳ hồ” chiêm nghiệm.

Theo Giang, “Có nhiều hành trình đôi khi mình không đến được đích, nhưng điều đó không quan trọng bằng ở mỗi bước đi, mình tận hưởng được tất cả những gì xung quanh mang lại.”

“Tận hưởng được hạnh phúc là quá trình chứ không phải là điểm đến thì điều này rất là rõ trong quá trình leo núi. Tôi luôn chuẩn bị tâm trạng nếu mình không đến được đích thì cũng không sao, vì được có mặt trên hành trình đó là đã vui rồi, mặc dù bao giờ tôi cũng may mắn đi đến đích,” Giang chiêm nghiệm.

Được hỏi, “Người ta nói khi mình ở trên cao nhìn xuống thì cái nhìn của mình sẽ khác rất nhiều so với khi mình đứng ở mặt đất nhìn ra xung quanh. Bạn nghĩ sao?” Giang cho rằng, “Tôi nghĩ khi mình trải nghiệm nhiều thì mình nhìn cuộc sống đa chiều hơn, trong mọi cái đúng đều có cái sai và ngược lại. Còn định nghĩa thế nào là đúng thế nào là sai lại còn tùy hoàn cảnh nữa. Nên tất cả đều có tính tương đối.”

Mời độc giả xem phỏng vấn: Hoàng Lê Giang, người Việt đầu tiên được chọn thám hiểm Bắc Cực (P2)


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT