Tuesday, May 14, 2024

Khu trục hạm John McCain vào trong 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa

WASHINGTON, Hoa Kỳ (NV) – Khu trục hạm USS John McCain đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Mười, 2020.

Nhà báo chuyên về thời sự chính trị Ryan Browne của hệ thống CNN viết trên Twitter cho hay. Ông thuật theo lời loan báo của một phát ngôn viên Hạm Đội 7. Chuyến đi “tự do hải hành” của chiến hạm McCain diễn ra cùng ngày với cuộc tập trận săn tầu ngầm của nhóm tàu đặc nhiệm Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản diễn ra trên Biển Đông.

Khu trục hạm USS John McCain di chuyển trên vùng biển Philippines ngày 22 Tháng Năm, 2020. (Hình: US Navy)

Khu trục hạm USS John McCain “khẳng định quyền hải hành và các tự do trong vùng quần đảo Hoàng Sa (hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Mười) để chứng tỏ các vùng biển này nằm bên ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền hợp pháp.”

Phát ngôn viên Hạm Đội 7 được ông Browne dẫn lời trên Twitter: “Các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông đe dọa nghiêm trọng sự tự do trên biển… Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bảo vệ các quyền và sự tự do trên biển đã được (luật pháp quốc tế) bảo đảm cho mọi người.”

Khu trục hạm USS John McCain của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng khi va chạm với chiếc tàu hàng mang cờ hiệu Liberia trên eo biển Malacca giữa Singapore và Malaysia hồi Tháng Tám, 2017. Tháng Sáu vừa qua, bản tin của Viện Nghiên Cứu Hải Quân Mỹ (USNI) cho hay sau khi được sửa chữa, tái trang bị và tân trang tối tân hơn, chiến hạm đã được đưa trở lại Hạm Đội 7 từ năm ngoái. Sau đó, cả thủy thủ đoàn đã trải qua huấn luyện thêm hơn nửa năm nữa.

Ngay sau khi khu trục hạm USS John McCain đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý khu vực quần đảo Hoàng Sa, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho phát ngôn viên quân sự Bộ Tư Lệnh Quân Khu Miền Nam tại Quảng Đông lên tiếng kêu rằng chiến hạm Mỹ “đi vào vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa) mà không xin phép Trung Quốc.”

Giống như những lần đả kích trước đây của các viên chức Bắc Kinh, ông ta la lối rằng: “Phía Mỹ vẫn tái diễn việc gửi chiến hạm tới Biển Đông để khoe sức mạnh và tăng cường sự hiện diện ở khu vực” và “khiêu khích quân sự đã vi phạm trầm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, làm mất hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”

Những tháng gần đây, Bắc Kinh liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông nhằm đe dọa cả các nước nhỏ phía Nam cũng như phản ứng lại các cuộc tập trận và tự do hải hành, tự do phi hành qua Biển Đông của lực lượng Mỹ cũng như các đồng minh.

Cuối Tháng Chín kéo dài sang đầu Tháng Mười, Trung Quốc đã tổ chức tập trận quy mô tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đồng loạt với các cuộc tập trận ở ba vùng biển khác. Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao họp báo ngày 1 Tháng Mười nói: “Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên Ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Giữa Các Bên Ở Biển Đông (COC).”

Nhóm tàu đặc nhiệm Hải Quân Nhật Bản gồm mẫu hạm trực thăng JS Kaga, khu trục hạm Ikazuchi và tàu ngầm Shoryu tập trận trên Biển Đông ngày 9 Tháng Mười, 2020. (Hình: Lực Lượng Phòng Vệ Nhật)

CSVN lên án Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa chỉ một ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, điện đàm Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nói với nhau những lời tình nghĩa. Báo chí của chế độ Hà Nội thuật lời ông Trọng nói với ông Tập Cận Bình là “đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường trao đổi các cấp và giao lưu nhân dân hai nước, củng cố lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương; giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là vấn đề trên biển.”

Lời ông Tập Cận Bình được báo đảng CSVN thuật lại là “đảng, nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam” và “sẵn sàng cùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam phát triển ngày càng sâu rộng.”

Những gì diễn ra trên Biển Đông hoàn toàn ngược lại với những lời tuyên truyền người thấy báo chí của cả Hà Nội và Bắc Kinh cổ võ.(TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT