Thursday, April 25, 2024

Kinh tế Việt Nam năm 2017 vượt chỉ tiêu nhờ đầu tư ngoại quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nền kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng trưởng vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm nhưng phần lớn lợi nhuận sản xuất chui vào túi các nhà đầu tư ngoại quốc, đặc biệt là công ty điện tử Samsung.

Tổng Cục Thống Kê trực thuộc Bộ Công Thương Hà Nội đưa ra bản báo cáo tổng kết “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2017” nói rằng tổng sản lượng nội địa (GDP) “ước tính tăng 6.81% so với năm 2016, trong đó quý 1 tăng 5.15%; quý 2 tăng 6.28%; quý 3 tăng 7.46%; quý 4 tăng 7.65%. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6.7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016.

Với thành tích ấy, Tổng Cục Thống Kê kể công “khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.”

Trong mức tăng 6.81% của toàn nền kinh tế, Tổng Cục Thống Kê nêu ra “khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2.90% đóng góp 0.44 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7.85%, cao hơn mức tăng 7.6% của năm 2016, đóng góp 2.23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tính chung cả năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9.4% so với năm 2016 (quý 1 tăng 4%; quý 2 tăng 8.2%; quý 3 tăng 9.7%; quý 4 ước tính tăng 14.4%), cao hơn nhiều so với mức tăng 7.4% của năm 2016.”

Bên cạnh đó, giới đầu tư ngoại quốc đổ tiền vào Việt Nam rất nhiều nhằm lợi dụng sự ưu đãi và mức lương nhân công rẻ.

Tổng Cục Thống Kê nói rằng “Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20 Tháng Mười Hai, 2017 thu hút 2,591 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt $21.3 tỷ, tăng 3.5% về số dự án và tăng 42.3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 1,188 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt $8.4 tỷ, tăng 49.2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2017 lên $29.7 tỷ, tăng 44.2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2017 ước tính đạt $17 tỷ, tăng 10.8% so với năm 2016. Trong năm 2017 còn có 5,002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là $6.2 tỷ, tăng 45.1% so với năm 2016.”

Nhờ hàng ngàn nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhỏ nhảy vào Việt Nam đầu tư sản xuất và xuất cảng, Tổng Cục Thống Kê nói “Kim ngạch hàng hóa xuất năm 2017 ước tính đạt $213.77 tỷ, tăng 21.1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.”

Thành tích tổng quát thì như thế nhưng hàng hóa do các nhà đầu tư nội địa cộng với xuất cảng nông ngư sản và khoáng sản, chỉ đạt $58.53 tỷ, tăng 16.2%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt $155.24 tỷ, tăng 23%. Tức là các hãng ngoại quốc đã xuất được số lượng hàng hóa trị giá gấp đôi hàng nội địa của Việt Nam.

Vài ngày trước khi có bản tổng kết thống kê tình hình kinh tế cả năm của Tổng Cục Thống Kê, ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam nêu ra nhược điểm của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông “trong bốn động cơ tăng trưởng của Việt Nam (bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI ‘ăn nên làm ra’ nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước.”

Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 22 Tháng Mười Hai, 2017 cho hay và viết tiếp rằng “Nhận định của ông Thiên đưa ra năm 2017 và trùng lắp với những nhận định từ cuối năm 2013 của nhóm học giả Fulbright. Bốn năm trôi qua tình hình vẫn chưa cải thiện.”

Theo ông Thiên, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh, từ 57% năm 2005 lên 72% năm nay. Dù áp đảo các khu vực nội địa, nhưng đóng góp giá trị gia tăng vào GDP tăng rất ít, từ 15.2% năm 2005 lên 18.7% năm ngoái. Điều này chứng tỏ, tăng trưởng GDP và xuất khẩu gia tăng lệ thuộc vào khu vực FDI.

“Họ tăng xuất khẩu, nhưng cũng lại kích thích nhập khẩu, và là nguyên nhân chính của thâm hụt thương mại kéo dài,” ông Thiên khẳng định. Trong khi đó, trình độ công nghệ của khu vực FDI thấp và dừng lâu ở gia công, lắp ráp, ông nói trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.

Dịp này, Tiến Sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Sài Gòn cho rằng chính sách kinh tế của nhà cầm quyền CSVN đi theo hướng chiếm đoạt (abstractive) chứ không theo đuổi thể chế dung hợp (inclusive). Hệ quả là “nhiều chính sách được thiết kế để dung dưỡng các đại gia bất động sản, chủ đầu tư dự án BOT mọc lên tràn lan thời gian qua… Vì thế, những chính sách đó đã tước đoạt cơ hội của số đông,” ông nói trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.

Ông Tự Anh nhận xét, cần ưu tiên cải cách là xác lập thể chế theo hướng dung hợp, thể chế thị trường và nhà nước đều cần phải thay đổi. Ông nói: “Nếu chọn chỉ một ưu tiên thì tôi ưu tiên cải cách bộ máy đang thực hiện cải cách. Không làm được điều này, không cải cách thể chế khung thì điều nói ngày hôm nay sẽ lặp lại 10-15 năm nữa,” theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. (TN)

MỚI CẬP NHẬT