Monday, May 20, 2024

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.7%, cao nhất ASEAN

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Kinh tế Việt Nam dự trù sẽ tăng trưởng khoảng 6.7% năm nay, mức độ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN, theo viện nghiên cứu Institute of Chartered Accountants ở Anh Quốc.

Theo viện nghiên cứu này, trừ Việt Nam, kinh tế của các nước ASEAN khác đều thấy xuất cảng sụt giảm trong quý thứ hai của năm nay, so với cùng thời gian của năm ngoái.

Trong khi đó, xuất cảng của Việt Nam vẫn gia tăng tuy có chậm hơn năm ngoái mà một số nguồn tin khác nói Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.8% trong quý một của năm nay nhờ gia tăng sản xuất và dịch vụ đồng thời với tăng sản lượng nông nghiệp. Tuy nhiên đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ có khuynh hướng chậm lại vì nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc khựng lại và lại còn gia tăng các biện pháp bảo vệ giới sản xuất nội địa.

Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc vẫn còn kéo dài, mang lại lợi ích cho Việt Nam khi các đơn đặt hàng đã được chuyển hướng về đây, Việt Nam vẫn còn tùy thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc cho cả xuất cảng cũng như nhập cảng. Xuất cảng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tương ứng với 10% GDP của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc và sản xuất công nghệ để xuất cảng vẫn dự trù là các trụ cột cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.Theo Cục Đầu Tư Nước Ngoài của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư tại Hà Nội, đầu tư nước ngoài đã giải ngân $2.6 tỷ trong hai tháng đầu năm 2019, gia tăng 8.9% so với năm ngoái.

Sản xuất công nghệ hướng về xuất cảng để lợi dụng giá nhân công rẻ mạt tại Việt Nam là thứ mà giới đầu tư ngoại quốc nhắm tới nhiều nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều công ty Trung Quốc và một số công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Trung Quốc, hoặc đã chạy sang Việt Nam, hoặc đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh bị chết kẹt giữa hai làn đạn trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung.

Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc, lại có luật lệ lao động lỏng lẻo, giá nhân công rẻ mạt, hệ thống hạ tầng cải thiện từ từ, Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế, chính sách lôi kéo đầu tư lại dễ dãi, là các yếu tố thuận lợi kích thích giới đầu tư ngoại quốc.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở trong nước vẫn được đánh giá là cao trong trung hạn 2019-2020 khi khả năng chi tiêu của các gia đình cải thiện, lạm phát không nặng và lợi tức đầu người gia tăng.

Mark Billington, giám đốc vùng Trung Quốc và Đông Nam Á của tổ chức Institute of Chartered Accountants cho rằng trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng vào lúc nhiều nước bị thiệt hại vì cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, bên cạnh các yếu tố khác anh hưởng tới sự gia tăng xuất cảng ở khu vực, cần phải có các biện pháp giúp cho nhịp độ đầu tư của các công ty nước ngoài chảy vào bền vững.

Đối với các công ty nội địa, theo ông Billington, cần phải cải cách cơ cấu để các công ty có thể cải tiến kinh doanh trong khi huấn luyện và giáo dục công nhân là những điều cốt lõi nhằm gia tăng sản xuất. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT