Friday, March 29, 2024

Liệu Việt Nam sẽ cho Mỹ thuê Vịnh Cam Ranh?

SYDNEY, Úc (NV) – Hiện đang có nhiều tin đồn rằng Việt Nam cân nhắc cho Hoa Kỳ thuê dài hạn Vịnh Cam Ranh hoặc vài hòn đảo ở Biển Đông làm căn cứ tiếp vận và/hoặc làm điểm ghé qua, làm đối trọng với một loạt hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc, một chuyên gia về tình hình khu vực này cho hay.

Trong bài bình luận đăng trên tạp chí The Diplomat hôm Thứ Tư, 6 Tháng Năm, Giáo Sư Carl Thayer của đại học University of New South Wales, cho hay “Sách Trắng Quốc Phòng 2019” của Việt Nam có đưa ra “không thứ tư,” trong đó, quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ cân nhắc thay đổi chính sách quốc phòng “ba không.”

“Tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển mối quan hệ quốc phòng và quân sự cần thiết, thích hợp với các quốc gia khác,” ông Thayer trích một đoạn trong Sách Trắng nói.

Theo ông Thayer, chính đoạn này, tức là “không thứ tư,” làm dấy lên tin đồn Việt Nam cân nhắc cho Hoa Kỳ thuê Vịnh Cam Ranh.

Tuy nhiên, về phía Hoa Kỳ, họ vẫn còn chủ trương chọn “địa điểm chứ không phải căn cứ,” Giáo Sư Thayer lưu ý.

“Căn cứ là địa điểm cố định nên dễ bị tấn công, còn địa điểm cho phép tiếp cận vào những lúc cấp thiết như thảm họa thiên nhiên hoặc khủng hoảng. Có thể Hoa Kỳ chỉ muốn tàu chiến của mình ghé cảng Việt Nam thường xuyên hơn chứ không muốn thuê cơ sở làm căn cứ tiếp vận,” ông bình luận.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng không nhất thiết phải tìm “điểm quá cảnh” giữa Singapore và Đài Loan. Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ đóng ở cảng Yokosuka, Nhật. Hoa Kỳ vẫn còn căn cứ ở đảo Guam, một căn cứ hải quân lớn. Vài tàu Hải Quân Hoa Kỳ đến Biển Đông từ căn cứ ở San Diego và Trân Châu Cảng, Hawaii. Nhìn chung, chiến hạm Mỹ đủ khả năng tiếp vận trên biển.

Những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận không thường xuyên về việc nâng quan hệ đối tác toàn diện từ thời Tổng Thống Barack Obama lên đối tác chiến lược. Giữa lúc Trung Quốc liên tục bắt nạt Việt Nam về chủ quyền, tranh chấp trên biển và thăm dò dầu khí ở Biển Đông, một số nhà phân tích cho rằng đã có “tình hình và điều kiện cụ thể” để Việt Nam thay đổi chính sách.

Việt Nam chọn chính sách quốc phòng “ba không” từ rất lâu, có từ Sách Trắng Quốc Phòng đầu tiên vào năm 1998, và được lặp lại trong các bản đưa ra năm 2004, 2009, 2012, và 2019.

Theo chính sách này, “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…”

Nội dung quan trọng trong chính sách “ba không” là Việt Nam loại trừ việc cho Hoa Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác thuê Vịnh Cam Ranh hoặc các hòn đảo ở Biển Đông, Giáo Sư Thayer cho hay.

Vịnh Cam Ranh hiện được chia làm hai cảng: quân sự và dân sự. Nga có quyền tiếp cận đặc biệt cảng quân sự để tu sửa và hỗ trợ tàu hải quân của Việt Nam mà phần lớn là do Nga sản xuất, trong đó có sáu chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka.

Cảng Quốc Tế Cam Ranh, một cơ sở dân sự, chính thức thành lập vào Tháng Ba, 2016. Ba chiến hạm Hoa Kỳ ghé cảng này năm đó là USS John S. McCain, USS Frank Cable, và USS Mustin.

Giáo Sư Carl Thayer kết luận: “Tóm lại, nhiều phần Việt Nam sẽ không cho Mỹ thuê Cam Ranh hoặc các đảo ở Biển Đông trong thời gian dài để làm căn cứ hoặc nơi để ghé qua.” (Th.Long) (đ.d.)

MỚI CẬP NHẬT