Friday, April 26, 2024

Lớp học miễn phí của cô giáo khuyết tật ở Gia Lai

GIA LAI, Việt Nam (NV) – Thương những đứa trẻ J’rai nghèo khổ không có điều kiện học hành, một cô gái khuyết tật ở xã Ia phang, huyện Chư Pưh, đã mở lớp học dạy miễn phí và miệt mài đứng lớp trên đôi chân tật nguyền, co quắp.

Lớp học dạy miễn phí của cô giáo Rmah H’Blao (31 tuổi) đã mở được bảy năm, với hàng trăm học sinh J’rai, ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nghèo khó theo học. Tuy bị khuyết tật đôi chân co quắp, dáng chênh vênh, nhưng H’Blao nhẫn nại đến từng bàn uốn nắn cho các em nhỏ từ những con chữ, phép tính.

Kể với báo VNExpress, cô H’Blao nhớ lại, năm 3 tuổi sau một cơn sốt đã khiến cô bị teo cơ chân. Song, bằng một sự kiên cường nào đó, cô đã không chịu nằm yên một chỗ.

Ông Ksor Dek, cha cô Rmah H’Blao, kể nhìn bạn bè đến trường, mắt con gái ông buồn vời vợi. Thế là người cha cõng con đến lớp gửi gắm cô giáo, chỉ mong con biết đọc biết viết.

Suốt 12 năm sau đó, H’Blao tự đến trường. “Mình không thể làm rẫy được, chỉ có đi học mới tự nuôi sống bản thân,” H’Blao chia sẻ.

Cánh cửa tưởng chừng đã mở ra với cô gái H’Blao khi cô thi đỗ vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Gia Lai. Chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình học, nhưng những trận đau ốm triền miên đã khiến cô phải bỏ ngang việc học. Ước mơ khép lại. “Mình buồn lắm, phấn đấu hơn chục năm trời rồi cuối cùng phải dở dang,” H’Blao tiếc nuối.

Về lại nhà, cô giáo H’Blao hay nghĩ ngợi xa xăm. Trong không gian vắng vẻ của ngôi làng nghèo Chao Pông mà người lớn cả ngày phải vất vả làm ruộng, đi rẫy, hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm, ngoài lúc đùa nghịch thường lấy sách vở ê a hay viết xuống khoảnh sân những chữ không tròn trịa, đã khiến H’Blao chạnh lòng, chỉ bài cho bọn trẻ học.

Lớp học của cô giáo Rmah H’Blao. (Hình: VNExpress)

Những đứa trẻ trong làng rủ nhau đến ngày một đông. H’Blao đánh bạo xin cha xây cho một phòng kiên cố, vừa tiếp khách vừa dễ quán xuyến đám nhỏ. Ông Ksor Dek lúc ấy cũng chỉ có ít tiền để dành phòng chuyện bất trắc cho gia đình, nhưng nghe con gái nói vậy liền vay mượn xây phòng.

Lớp học của “cô giáo chưa bằng cấp” H’Blao thường có khoảng 50 em tiểu học. Cứ đến Hè, số lượng học sinh lại tăng lên đến 70. Tiếng lành đồn xa, không chỉ những em gần nhà mà các làng lân cận cũng tìm đến. Thời gian biểu của cô gái luôn “kín lịch” với hai lớp buổi sáng và buổi chiều.

Cô giáo trải lòng kể, làng Chao Pông còn nghèo, cha mẹ các em quanh năm bám mặt vào nương rẫy, nhà lại đông con, việc học của các em chỉ là thứ yếu. “Đến miếng cơm, manh áo cũng còn thiếu thốn nên mình phải ân cần hơn,” H’Blao nói.

Không chỉ dạy chữ, chiếc máy tính từ thời học cao đẳng của H’BLao trở thành “nhà hàng” nơi cô đem những món ăn tinh thần đến cho các em. Đó có thể là những bài hát hay, những câu chuyện đẹp mà cô giáo muốn kể lại để truyền cảm hứng cho học trò.

Những khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh chỉ đủ để H’Blao duy trì lớp học, ngoài giờ dạy, cô phải kiếm sống bằng cách thêu tranh bán.

“Học với cô H’Blao vui lắm,” Rmah H’Jin, học lớp 2 trường Tiểu Học Đinh Tiên Hoàng, xã Ia Phang, nói. Còn những phụ huynh trong làng thì rỉ tai nhau rằng, đám nhỏ đến đây không chỉ để biết cái chữ mà còn học được nghị lực của cô giáo H’Blao. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT