Wednesday, April 24, 2024

Máy bay quân sự Mỹ thường xuyên bay trên Biển Đông

HAWAII (NV) – Các loại máy bay quân sự của Hoa Kỳ vẫn có các chuyến bay “tự do phi hành” trên vùng trời Biển Đông dù không mấy khi được báo chí đề cập và bất chấp phản đối của Trung Quốc.

Tướng Charles Brown, tư lệnh Không Quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho hay các phi cơ quân sự Hoa Kỳ đủ loại từ oanh tạc cơ, máy bay trinh thám U-2, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk thường xuyên thực hiện hoạt động “tự do phi hành” trên vùng biển tranh chấp, bất kể Bắc Kinh bố trí các cơ sở phòng không trên các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm trên Biển Đông.

“Chúng tôi từng bay trong và chung quanh Biển Đông suốt 15 năm qua mà tôi có thể nói với quý vị là ngay mới đây, cả trong tuần này,” Tướng Brown nói ở Hawaii sau cuộc hội thảo kéo dài ba ngày tại căn cứ không quân HICKAM, quy tụ tư lệnh không quân các nước khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, báo Express của Anh Quốc kể lại.

Ông Brown cho hay các loại máy bay đã được sử dụng cùng với các loại máy bay tuần tra biển chống tàu ngầm P-3 Orion và P-8 Poseidon. Dù các chuyến bay này không được báo chí chú ý đưa tin nhưng phản ứng của Trung Quốc cũng vẫn mạnh.

“Chúng tôi biết điều đó vì nhận được những cuộc gọi từ Trung Quốc,” ông nói.

Khu vực Biển Đông được coi như hải lộ bận rộn nhất thế giới với 5 ngàn tỉ hàng hóa các loại đi qua mỗi năm. Từ khi Trung Quốc bồi đắp bảy bãi đá ngầm (cướp của Việt Nam hồi năm 1988) thành bảy đảo nhân tạo khổng lồ, trên đó, họ đã xây dựng các cơ cứ quân sự quy mô, tối tân với phi trường, cảng biển, radar, viễn thông vệ tinh, hỏa tiễn phòng không.

Không những vậy, Bắc Kinh còn mở rộng một số đảo Hoàng Sa, xây dựng và bố trí lực lượng quân sự tối tân, trong tham vọng bá quyền, khống chế toàn bộ Biển Đông. Những năm gần đây, Hoa Kỳ thực hiện một số chuyến “tuần tra tự do hải hành” bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo và đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa, thách đố các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Việt Nam, Philippines và các nước khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông quá yếu kém về quân sự chỉ lên tiếng phản đối suông, trong khi Hoa Kỳ chỉ mở các cuộc tuần tra “tự do hải hành” hay “phi hành” mà một số nhà phân tích thời sự từng nhìn thấy là không đủ tác dụng.

Tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không Quân Hoa Kỳ. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

Cũng lên tiếng cùng với Tướng Brown, tham mưu trưởng không quan Hoa Kỳ là Tướng David Goldfein dịp này cho người ta hiểu chủ đích các hành động quân sự của Mỹ ở khu vực. Ông cho hay nhiệm vụ của quân đội Hoa Kỳ là mở đường cho các nhà đàm phán.

“Việc làm của chúng tôi là trang bị cho các nhà ngoại giao khả năng đàm phán một chỗ tốt hơn vì chúng tôi cung cấp cho họ những lựa chọn quân sự đáng tin cậy không những chúng tôi biết có thể thực hiện. Đồng thời cũng quan trọng không kém là các địch thủ tiềm năng đều biết chúng tôi thực hiện được rất đáng tin cậy,” ông nói. “Việc của chúng tôi là bảo đảm rằng các nhà ngoại giao có cái họ cần để có thể đàm phán cho một nền hòa bình tốt đẹp hơn.”

Theo lời Tướng Goldfein, dù lực lượng Không Quân Hoa Kỳ trong mấy thập niên qua đã giảm đáng kể cả quân số cũng như máy bay tại Âu Châu nhưng khu vực Thái Bình Dương vẫn “rất ổn định” vì khu vực được coi là ưu tiến số một trong chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ.

Khóa hội thảo các Tư Lệnh Không Quân các nước khu vực Thái Bình Dương tổ chức tại Hawaii có sự tham dự của 18 nước. Theo bản tin South China Morning Post thì có cả đại diện một số nước cùng tranh chấp Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Cả hai Đại Tướng Charles Brown và David Goldfein cũng từng đến Bộ Quốc Phòng CSVN hồi giữa Tháng Tám vừa qua khi Việt Nam đang đối đầu với Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính. (TN)

MỚI CẬP NHẬT