Friday, May 3, 2024

Miền Bắc Việt Nam ô nhiễm không khí ‘khủng khiếp’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Gần một tuần qua, chỉ số chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam lên tới mức “cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người.”

Hệ thống quan trắc của thành phố Hà Nội cũng như trên các ứng dụng PamAir, Airvisual đều cho thấy chất lượng không khí “rất xấu” vào sáng 14 Tháng Mười Hai, 2019.

Theo báo Người Lao Động, trước đó ngày 13 Tháng Mười Hai, hệ thống quan trắc của Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường Hà Nội ghi nhận tại 10 trong 11 địa điểm có chỉ số “Chất Lượng Không Khí” (AQI) ở mức màu tím (trên 200), tương đương với đánh giá “rất xấu” ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người.

Cùng ngày, trang Air Visual thuộc Tổ Chức IQAir ở Thụy Sĩ, xếp thành phố Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố trên thế giới với chỉ số AQI 316 ở mức màu nâu cao nhất và “cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người.” Trong đó, điểm đo tại Tây Hồ có chỉ số AQI lên đến 405.

Ngoài ra, phúc trình hiện trạng chất lượng không khí của GreenID cũng đưa ra khuyến cáo ở Hà Nội, mùa đông ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè do các đợt ô nhiễm không khí tăng mạnh, với chỉ số ô nhiễm lên đến mức “nguy hại” trong một số thời điểm.

Nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến Tháng Ba, 2020, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Tiến Sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Không Khí Sạch Việt Nam, sau nhiều ngày theo dõi đã nhận định: “Đây là đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội.”

Mặc dù ô nhiễm không khí ngày càng tệ hơn và trải qua nhiều ngày liên tiếp, thế nhưng báo Tuổi Trẻ cho biết Tổng Cục Môi Trường và cả Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội đều im lặng về đợt ô nhiễm không khí trầm trọng này.

Đợi đến khi bị công luận chỉ trích dữ dội, Sở Tài Nguyên mới khuyến cáo người dân hạn chế ra đường để bảo đảm sức khỏe với dòng thông tin vắn tắt: “AIQ 256 – mọi người bị ảnh hưởng tới sức khoẻ nghiêm trọng hơn.”

Báo Tuổi Trẻ đã liên lạc với lãnh đạo Vụ Quản Lý Chất Lượng Môi Trường thuộc Tổng Cục Môi Trường, để hỏi về nguyên nhân ô nhiễm nhưng vị này “né” và giới thiệu qua Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Miền Bắc.

Bà Trần Minh Hương, giám đốc Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Miền Bắc, nơi cập nhật các số liệu, ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí từng giờ, cho biết “sẽ có báo cáo gửi Văn Phòng Tổng Cục Môi Trường để công bố.”

Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Tùng nhận định: “Khi chỉ số chất lượng không khí ở địa phương mình xấu đột ngột, xấu kéo dài thì lãnh đạo địa phương phải lập tức chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân chính nhưng Hà Nội không có hành động nào cấp bách. Nhiều nơi, qua quan trắc cho thấy hiện tượng đốt chất thải, rác thải rất kinh khủng mà chính quyền vẫn xem nhẹ. Thậm chí, còn không có đợt kiểm tra nào về chấp hành quy định về môi trường.”

Ông Tùng cảnh báo việc các tỉnh thành ở Việt Nam gần như đã hình thành tâm lý “thời tiết là ông trời, thời tiết không thuận thì phải chịu,” trong khi rất nhiều nguồn thải gây ô nhiễm không khí là từ hoạt động của con người. Do vậy, cần thay đổi lối suy nghĩ này bằng việc chủ động đề ra các biện pháp ứng phó hữu hiệu.

Báo Đại Đoàn Kết dẫn tin dự báo của trang quan trắc chất lượng không khí của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, cho hay chất lượng không khí tại Hà Nội trong tuần tới vẫn duy trì ở mức kém, xấu. Trong đó ngày 16 Tháng Mười Hai, chất lượng không khí trung bình có thể lên mức “nguy hại” với chỉ số AQI dao động từ 217-248. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT