Thursday, April 25, 2024

Mỗi năm 25,000 người ở Việt Nam chết vì bệnh phổi do ô nhiễm

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang hoành hành và cướp đi mạng sống của hơn 25,000 người Việt Nam mỗi năm và hiện còn đang tiếp tục tăng lên. Con số này cao hơn nhiều so với số người chết do tai nạn giao thông.

Nói về căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD, COAD hay COLD) nhân ngày “Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính Toàn Cầu,” diễn ra ở Sài Gòn hôm 19 Tháng Mười Một, 2019, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Bác Sĩ Lê Thị Tuyết Lan, phó chủ tịch Hội Hô Hấp Việt Nam, cho biết bệnh COPD đang chiếm vị trí thứ ba trong các bệnh lý gây chết hàng đầu, chỉ sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

“Trên thế giới cứ mỗi 10 giây có một người chết do COPD. Còn tại Việt Nam, bệnh COPD gây ra hơn 25,000 ca chết mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông. Hiện, Việt Nam có đến 4.2% người dân từ 40 tuổi trở lên mắc COPD. Trong số đó có đến 19.5% bệnh nhân ở mức độ nặng và rất nặng. Điều đáng ngại hơn là người dân không biết mình chết vì căn bệnh COPD để có thể phòng ngừa một cách có hiệu quả và con số này vẫn đang gia tăng,” bà Lan nói.

Phân tích những tác nhân gây bệnh với báo Người Lao Động, Bác Sĩ Tuyết Lan cho biết nguyên nhân chính khiến người dân mắc COPD là do “sống trong môi trường ô nhiễm không khí, hút thuốc lá chủ động và thụ động.” Ngoài ra, những người có tiền căn lao, sống hay làm việc trong môi trường ô nhiễm, phổi không phát triển đúng mức, bị hen suyễn kéo dài, ảnh hưởng do sử dụng chất đốt sinh khối… là những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc COPD.

Bệnh nhân mắc bệnh COPD đến tham vấn bác sĩ tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược Sài Gòn. (Hình: Một Thế Giới)

Theo các chuyên gia hô hấp cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với bệnh COPD là tình trạng xảy ra các đợt bệnh cấp tính khiến chi phí điều trị rất tốn kém, nhưng nhiều khi hiệu quả không đáp ứng dẫn đến mất mạng.

Chưa hết, chi phí thuốc men, nằm viện cho mỗi đợt cấp nặng của COPD có thể tốn cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể đến các tổn thất khác khi người nhà phải nghỉ việc để nuôi bệnh, stress cho cả gia đình lẫn nhân viên y tế… Đặc biệt, điều đáng chú ý là thuốc hô hấp hiện nay không có đủ trong danh mục Bảo Hiểm Y Tế ở Việt Nam.

Để phòng ngừa COPD, các chuyên gia hô hấp khuyến cáo nên hạn chế các hoạt động ngoài trời tại các khu vực bị đánh giá ô nhiễm cao, sử dụng mặt nạ chuyên dụng ngăn ngừa bụi nếu phải đi ra bên ngoài, cai nghiện thuốc lá… Nên mua cây trồng trong nhà như lưỡi hổ, nha đam, trầu bà giúp thanh lọc không khí.

Một số biện pháp hỗ trợ khác là nên chích ngừa cúm và viêm phổi mỗi năm một lần, đi khám bệnh ngay khi cảm thấy khó thở, đau ngực hay khó chịu ở mắt.

“Người dân nên bỏ thói quen đốt rác, đốt lá cây và các sản phẩm nông nghiệp…vì những tác nhân này là nguy cơ cao cho bệnh COPD,” Bác Sĩ Tuyết Lan khuyến cáo. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT