Monday, April 29, 2024

Hãng Pacific Airlines của Việt Nam phải trả hết máy bay vì nợ nần

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Do không đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê, hãng hàng không Pacific Airlines (một công ty con của Vietnam Airlines) đang đứng trước nguy cơ phá sản khi phải trả toàn bộ máy bay để xóa nợ.

Theo báo Thanh Niên, hôm 18 Tháng Ba cũng là ngày chiếc máy bay cuối cùng của hãng Pacific Airlines rời khỏi Việt Nam và không còn máy bay nào sau khi phải trả hết cho các chủ cho thuê do “tình hình tài chính rất nghiêm trọng,” thiếu hụt tiền, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng chi trả.

Hãng Pacific Airlines đã phải trả hết máy bay vì thiếu tiền và nợ nần. (Hình: Tạp Chí Tri Thức)

Trong thời gian này, một số đường bay của hãng Pacific Airlines phải thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng hoạt động.

Từ nửa cuối năm ngoái, hãng này đã bị các đối tác yêu cầu trả máy bay do không thực hiện đúng thỏa thuận về trả tiền thuê.

Cuối ngày 18 Tháng Ba, nói với Tạp Chí Tri Thức, ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam, xác nhận hãng Pacific Airlines “đang tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để tăng hiệu quả hoạt động.”

Theo lộ trình tái cấu trúc, hãng hàng không giá rẻ này sẽ thuê máy bay của Vietnam Airlines để “tối ưu hóa nguồn lực.” Nhiều khả năng, hãng sẽ nhận ba máy bay của Vietnam Airlines. Đây cũng là điều kiện tối thiểu với một hãng hàng không để duy trì giấy phép kinh doanh theo quy định.

Ngoài ra, Pacific Airlines sẽ nhận sự hỗ trợ và phối hợp từ Vietnam Airlines về dùng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất…

Theo VNExpress, việc Pacific Airlines trả toàn bộ máy bay có thể khiến thị trường hàng không nội địa của Việt Nam thêm khó khăn thời gian tới, nhất là vào dịp cao điểm Hè khi nguồn cung ứng không đủ bù đắp nhu cầu hành khách sẽ khiến giá vé tăng mạnh như hồi dịp Tết Nguyên Đán vừa qua.

Các hãng hàng không trong nước cũng đang rất thiếu máy bay. Năm ngoái, các hãng hàng không của Việt Nam có hơn 230 máy bay, thì hiện chỉ còn khoảng 170 chiếc.

Hiện Vietnam Airlines, Vietjet phải dừng khai thác hơn 30 chiếc A321 để bảo dưỡng, sửa chữa động cơ. Còn Bamboo Airways giảm hơn 20 chiếc so với năm ngoái sau tái cấu trúc doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo một hãng hàng không trong nước, hiện không dễ thuê thêm máy bay trong bối cảnh nhu cầu lớn trên thế giới đẩy giá lên cao. Ngoài ra, trước đây chủ máy bay có thể giãn hoặc hoãn tiền thuê cho các hãng hàng không khó khăn tài chính vì lý do đại dịch COVID-19, nhưng giờ họ sẽ đòi lại ngay khi hãng hàng không chậm trả tiền thuê.

Vietnam Airlines khó chuyển nhượng vốn Pacific Airlines cho nhà đầu tư mới. (Hình: Thanh Niên)

Pacific Airlines thành lập từ 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Hãng hàng không giá rẻ này kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2018-2019, hãng có lãi vài chục tỷ đồng, nhưng sau đó quay trở lại thua lỗ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Năm 2022, hãng này lỗ gần 2,100 tỷ đồng (gần $85 triệu). Sau khi nhận lại toàn bộ cổ phần từ cổ đông Qantas trong năm, Vietnam Airlines sở hữu trên 98.8% tại Pacific Airlines. Từ đó đến nay, Vietnam Airlines tìm nhà đầu tư mới cho Pacific Airlines nhưng không được do vướng một số quy định. (Tr.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT