Sunday, May 19, 2024

Mưa lớn cộng thủy điện xả lũ, Quảng Nam lại sạt lở, ngập sâu

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Mưa lớn cùng thủy điện xả lũ liên tục nhiều ngày đã khiến một số huyện, thị ở Quảng Nam lại tiếp tục ngập sâu, trong khi khu vực vùng cao tiếp tục sạt lở làm bốn người bị vùi lấp, một người mất tích.

Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 11 Tháng Mười Một, các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia vẫn tiếp tục xả nước điều tiết về hạ lưu, với tổng lưu lượng từ ba thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 là 1,314 khối/giây, trong khi thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn là 1,922 khối/giây.

Làng Thạch Bình, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, ngập trong biển nước, chia cắt các khu vực. (Hình: Đức Tài/Tuổi Trẻ)

Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ làm nước các con sông dâng nhanh khiến các thôn Đàn Long, Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh; xã Tam Thăng của thành phố Tam Kỳ, và các xã Bình An, Bình Phú thuộc huyện Thăng Bình, nước dâng nhanh tràn vào nhà dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ Lài, chủ tịch xã Tam Đàn, cho biết nếu lại có mưa lớn và kéo dài, nhiều thôn như Đàn Long, Đàn Trung sẽ ngập nặng, buộc phải di tản dân về nơi an toàn.

Tại hai huyện Duy Xuyên và Nông Sơn, nhiều thôn, xã bị chia cắt, cô lập vì nhiều tuyến đường bị ngập nặng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, phó chủ tịch huyện Nông Sơn, cho biết hầu hết các con đường đi vào các xã, hay đi các huyện khác đang bị chia cắt vì nước băng qua đường, ngập sâu.

Hiện nhiều gia đình ở các xã Quế Lộc, Sơn Viên, Quế Trung không thể đi lại vì đường bị chia cắt. Huyện Nông Sơn đã chỉ đạo các xã kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập nặng triển khai di tản dân đến các trường học, trung tâm xã. Học sinh phải nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Trong khi đó, huyện Nam Trà My đang cho di tản hơn 1,600 gia đình ở các nóc Ông Nhầy, Ông Hiền, Ông Tiêu, Ông Dũng, Ông Thương, Ông Lục và khu dân cư Suối Đôi đến các nhà dân kiên cố, trụ sở trường học.

Chiều cùng ngày, xác nhận với báo Thanh Niên, ông Thái Hoàng Vũ, chủ tịch huyện Bắc Trà My, cho biết trên tuyến quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Tân, gần thủy điện Sông Tranh 2, một quả đồi bất ngờ đổ sập xuống.

Trước khi quả đồi đổ xuống, có nhiều người dân chạy xe gắn máy, đi bộ qua điểm này dừng lại để dọn cây đổ chắn ngang đường. Tại hiện trường, nhiều xe gắn máy nằm lẫn lộn dưới lớp đất đá, một khối lượng lớn đất đá đổ vùi xuống chắn ngang đường.

Theo ông Vũ, thời điểm xảy ra sạt lở núi có chín người, năm người chạy thoát, bốn người bị đất đá vùi lấp. Người dân cứu được ba người dưới đống bùn đất đưa đi bệnh viện điều trị, trong đó có một người bị gãy cả hai chân. Hiện còn một người đang bị vùi lấp chưa tìm thấy.

Một nạn nhân bị gãy hai chân trong vụ sạt lở núi ở huyện Bắc Trà My. (Hình: Nam Thịnh/Thanh Niên)

Tại huyện Đại Lộc, một số khu vực thấp trũng ở các xã Đại Nghĩa, Đại Cường… nước lũ cũng tràn vào làm ngập đường, khu dân cư. Mực nước sông Vu Gia hiện dao động 8.7 mét, trên báo động 2 (lũ vừa).

Một lãnh đạo xã Đại Nghĩa cho biết nước sông Vu Gia dâng lên rất nhanh, làm ngập các tuyến đường vùng thấp trũng ven sông, rồi tràn vào nhà dân. Ngay cả trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã, nước lũ cũng tràn ngập từ 20 đến 30 cm.

Tương tự, tại thành phố Hội An lũ thượng nguồn đổ về khiến một số tuyến đường trong thành phố như Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Công Nữ Ngọc Hoa ngập sâu gần 1 mét, nước bủa vây, đục ngầu.

Nước lũ chảy băng qua cầu Hội An sáng 11 Tháng Mười Một. (Hình: Nguyên Phan/VNExpress)

Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch thành phố Hội An, cho biết nước lũ ghi nhận ở báo động 2 (1.72 mét), dự báo còn dâng vì mưa lớn ở thượng nguồn.

“45 năm qua, không năm nào như năm nay, chỉ trong vòng một tháng tính từ ngày 10 Tháng Mười, Hội An bị sáu đợt lũ, một cơn bão và hai lần áp thấp nhiệt đới,” ông Hùng ngao ngán nói. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT