Friday, May 3, 2024

Mỹ đang thảo luận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam

WASHINGTON, DC (NV) – Chính phủ Biden đang thảo luận chuyển giao một số vũ khí quan trọng, trong đó có máy bay chiến đấu F-16, được mô tả là nhiều nhất trong lịch sử cho kẻ cựu thù Việt Nam.

Hãng tin Reuters ngày Thứ Bảy, 23 Tháng Chín, cho hay như vậy dựa trên sự tiết lộ từ hai nhân vật hiểu biết về thương vụ quốc phòng này, và nguồn tin cho rằng có thể làm Bắc Kinh khó chịu, còn Nga có thể bị đẩy qua một bên.

Máy bay khu trục F-16 Fighting Falcon tại cuộc triển lãm vũ khí ở Hà Nội cuối năm 2022. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

Một ngày trước khi ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, đến Hà Nội ký thỏa hiệp nâng mốt quan hệ với Việt Nam từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện,” tờ New York Times tiết lộ Hà Nội bí mật đàm phán mua của Moscow một lượng lớn võ khí lên tới $8 tỷ. Để tránh các biện pháp cấm vận của Mỹ và Tây phương, Hà Nội sẽ chuyển khoản qua liên doanh dầu khí Vietsovpetro.

Theo Reuters, một gói thầu có thể được dàn xếp xong vào năm tới trong khả năng hoàn bị quan hệ đối tác chiến lược giữa Washington và Hà Nội với việc bán một đội máy bay chiến đấu F-16. Nước này đang đối diện các căng thẳng ở khu vực Biển Đông trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, một trong hai viên chức chính phủ Biden nói.

Dù sao, thương vụ vẫn còn trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán với các điều kiện tín dụng đang được thảo luận nhưng cũng có thể không đạt được. Đó là chủ đề chính mà các giới chức Việt Nam và Mỹ thảo luận ở Hà Nội, New York và Washington trong tháng qua.

Chiến đấu cơ đa năng F-16 Fighting Falcon do hãng General Dynamics sản xuất rồi sau đó chuyển giao sang cho hãng Lockheed Martin cho đến nay, đã được trưng bày tại cuộc triển lãm vũ khí ở Hà Nội cuối năm ngoái. Đại diện hãng này đã nhiều lần thảo luận với Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Máy bay này được cải tiến nhiều lần, trang bị tối tân và hiện có nhiều phiên bản khác nhau.

Nguồn tin trên nói Washington đang dàn xếp một khoản tín dụng đặc biệt cho một loại trang bị đắt tiền mà một nước nhỏ ít tiền mặt như Hà Nội có thể không còn phải tùy thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí truyền thống giá rẻ của họ xưa nay, tức là vũ khí Nga sản xuất. Một nguồn tin khác từ chối không cho biết tên, nói như vậy.

Cả phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cũng như Bộ Ngoại Giao Việt Nam không phản hồi khi được yêu cầu bình luận về cuộc thảo luận mua bán máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon kể trên.

“Chúng tôi có mối quan hệ rất hiệu quả và đầy hứa hẹn với phía Việt Nam và chúng tôi nhìn thấy có sự chuyển động đáng chú ý của họ đối với một số hệ thống võ khí Mỹ, đặc biệt bất cứ thứ gì giúp họ giám sát tốt hơn trong lãnh vực hàng hải, có thể là máy bay vận tải hay một vài loại trang bị khác,” theo lời một viên chức chính phủ Mỹ.

“Một phần trong những gì hiện chúng tôi đang thảo luận trong nội bộ là chính phủ Mỹ linh động thế nào để có thể cung cấp khoản tín dụng tốt hơn để Việt Nam có thể mua sắm những thứ hữu ích thật sự cho họ,” viên chức này nói.

Một vụ mua bán vũ khí lớn giữa Washington và Hà Nội có thể làm trầm trọng thêm nữa mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nước láng giềng khổng lồ phương Bắc lâu nay vẫn cảnh giác trước các nỗ lực bao vây của Tây phương. Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông đang có dấu hiệu gia tăng giúp giải thích tại sao Việt Nam lại đang muốn tăng cường khả năng phòng vệ trên biển.

“Họ đang phát triển khả năng phòng vệ bất đối xứng nhưng muốn làm theo cách không kích thích phản ứng của Bắc Kinh,” ý kiến của ông Jeffrey Ordaniel, giáo sư về bộ môn nghiên cứu an ninh quốc tế của Đại Học Tokyo và cũng là giám đốc Diễn Đàn Quốc Tế Về An Ninh Hàng Hải Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu. “Đó là hành động đu dây tế nhị.”

Theo ông Ordaniel, Mỹ nên chuyển ngân khoản tài trợ quân sự cho khu vực Trung Đông sang vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để nhờ đó “những đối tác như Việt Nam, Philippines, Đài Loan có thể có khả năng mua các loại võ khí cần thiết để chống lại Bắc Kinh.”

Khu trực F-16 Fighting Falcon bay trên sa mạc Iraq năm 2008 khi yểm trợ tác chiến. (Hình: USAF)

Hai tuần trước, Việt Nam đã nâng mối quan hệ với Mỹ lên ngang hàng với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Hàn. Mỹ dưới thời Tổng Thống Barack Obama đã hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam năm 2016 nhưng từ đó đến nay, số vũ khí Mỹ chuyển giao cho Việt Nam rất khiêm tốn, như hai chiếc tàu 3,250 tấn và 24 xuồng cao tốc cho Cảnh Sát Biển Việt Nam. Đồng thời Mỹ bán cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện phi công quân sự T-6 Texan II, loại máy bay cánh quạt huấn luyện sơ cấp. Cho đến nay, Việt Nam vẫn tùy thuộc hầu hết mọi ngành vào các loại vũ khí Nga từ máy bay chiến đấu đến phòng không, chiến hạm, tàu ngầm, xe tăng.

Việt Nam chi khoảng $2 tỷ mỗi năm để nhập cảng các loại vũ khí. Washington hy vọng rằng họ có thể thúc đẩy một phần ngân khoản ấy về lâu về dài để mua vũ khí Mỹ hoặc từ các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là Nam Hàn và Ấn Độ.

Sự đắt đỏ của các loại vũ khí Mỹ là một trong những trở ngại chính, ngay cả việc huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí Mỹ. Đó là lý do tại sao cả chục năm nay, Mỹ mới chỉ bán cho Việt Nam một số lượng chưa tới $400 triệu trong khi Việt Nam mua hàng tỷ vũ khí của Nga. Việc Mỹ bán vũ khí cho nước ngoài còn phải được Quốc Hội thông qua. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT