Friday, April 26, 2024

Mỹ thúc giục CSVN trả quyền tự do nghiệp đoàn cho công nhân

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chính phủ Mỹ đang thúc giục CSVN trả quyền tự do thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn lao động độc lập tại Việt Nam, theo báo Nikkei của Nhật Nikkei hôm Thứ Hai, 30 Tháng Giêng.

Chính phủ Mỹ và CSVN đã đạt thỏa thuận về điều kiện để nhà cầm quyền chấp nhận cho giới công nhân được quyền tự do thành lập các nghiệp đoàn độc lập. Nhờ vậy CSVN được gia nhập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Công nhân tại Đà Nẵng đình công đòi tăng lương mấy năm trước. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Hiệp định được thương thuyết và thỏa thuận dưới thời tổng thống của đảng Dân Chủ Barack Obama sau nhiều năm đàm phán. Tuy nhiên khi ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa lên nắm quyền, ông đã ký lệnh rút ra khỏi hiệp định này ngay ngày đầu tiên ông chính thức ngồi vào Tòa Bạch Ốc đầu năm 2017.

Sau đó, dù Mỹ rút ra, các nước còn lại vẫn tiến hành và đổi TTP thành Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 14 Tháng Giêng, 2019. Hiệp định này và Hiệp Định Tự Do Thương Mại mà Hà Nội ký với Liên Âu (EVFTA) vào Tháng Sáu cùng năm cũng có điều khoản đòi hỏi CSVN để giới công nhân được quyền tự do nghiệp đoàn, theo một lộ trình.

Tại cuộc họp báo vào Tháng Mười, 2019, Ủy Ban Âu Châu (EC) ra thông cáo nói họ và CSVN đồng ý bảo đảm việc thực thi đầy đủ quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm việc hợp tác về nhân quyền cho phép EU có các biện pháp cần thiết, thậm chí ngưng hiệp định khi Hà Nội vi phạm nhân quyền.

Những điều khoản về quyền người lao động trong hiệp định TPP và sau đó là CPTPP được bình luận là có vẻ mơ hồ hơn nhưng vẫn đòi hỏi CSVN phải để giới công nhân được tự do thành lập và tham gia các nghiệp đoàn lao động độc lập.

Cho tới nay, tổ chức công đoàn tại nhiều xí nghiệp ở Việt Nam đều là các tổ chức lao động trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, một tổ chức ngoại vi do đảng CSVN thành lập và điều hành theo các nhu cầu chính trị của nhà cầm quyền. Bởi vậy, hệ thống tổ chức này không bảo vệ quyền lợi của giới công nhân nên hàng ngàn các vụ đình công đòi tăng lương và đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc đều do công nhân tự phát tiến hành.

Công nhân hãng Puchen ở Sài Gòn đình công hồi đầu năm 2022. (Hình: Thanh Niên)

Cũng trong năm 2019, trước áp lực quốc tế và phải thi hành cam kết gia nhập EVFTA và CPTPP, nhà cầm quyền CSVN đã phải sửa lại Luật Lao Động cho phép công nhân các xí nghiệp được thành lập nghiệp đoàn độc lập. Tuy nhiên, đạo luật này lại cột việc thành lập nghiệp đoàn độc lập và điều kiện “xin cho” hành chính nên đến nay, không hề thấy có tổ chức lao động độc lập nào xuất hiện.

Một số nhà bình luận cho rằng nhóm từ “độc lập” luôn luôn bị đồng hóa với “đối lập” và “phản động” bị “các thế lực thù địch” giật dây từ bên ngoài nhằm lật đổ độc tài đảng trị nên luôn luôn bị đảng CSVN tìm mọi cách ngăn chặn, bóp chết từ khi còn trong trứng nước.

Khi điều trần ở Ủy Ban Châu Âu ngày 10 Tháng Mười, năm 2018, tại Bruxels, Bỉ, một số nhà tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam đã khuyến cáo rằng chế độ Hà Nội sẽ tìm đủ mọi cách cản trở giới công nhân thành lập công đoàn độc lập dù luật lệ cho phép vì nó đi ngược lại quyền lợi của độc tài đảng trị.

Một số người còn cho rằng CSVN sẽ cho thành lập những tổ chức nghệp đoàn độc lập giả hiệu do các đảng viên CSVN hoặc những người do đảng cài cắm để giật dây. Nay tin của báo Nhật Nikkei nói rằng chính phủ Mỹ thúc giục CSVN để cho giới công nhân tự do nghiệp đoàn, thì sẽ không biết có bao nhiêu tác dụng. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT