Sunday, April 28, 2024

Mỹ tiếp tục đè áp lực lên Trung Quốc tại Biển Đông

WASHINGTON, DC (NV) – Mỹ vẫn tiếp tục đè áp lực lên Trung Quốc qua các hoạt động trên Biển Đông bất chấp lời thúc giục Washington đảo ngược chính sách thời Donald Trump.

Ngày 8 Tháng Hai vừa qua, cùng ngày với tin hai nhóm tác chiến đặc nhiệm do hai mẫu hạm thực hiện tập trận chung trên Biển Đông, cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Mỹ công bố bản phúc trình của nhóm chuyên viên soạn thảo, giúp các nhà lập pháp theo dõi, đánh giá tình hình khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, qua hai cách đối phó của chính phủ tiền nhiệm và chính phủ tân cử của Tổng Thống Joe Biden.

Hai mẫu hạm Mỹ USS Nimitz và USS Roosevetl tập trận trên Biển Đông ngày 8 Tháng Hai, 2021. (Hình: US Navy)

Bản phúc trình dài 118 trang (tại địa chỉ https://fas.org/sgp/crs/row/R42784.pdf) do Congress Research Service soạn thảo. Trong đó, lược thuật từ lợi ích của nước Mỹ ở hai vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước khu vực, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, lập trường và cách đối phó của Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump, và bây giờ là những dấu hiệu đối phó của Tổng Thống Joe Biden; những nguy cơ xung đột xảy ra trên biển giữa Mỹ với Trung Quốc, giữa Trung Quốc với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Bản phân tích cũng đặt dấu hỏi xem nước Mỹ có nên tham gia Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) hay không.

Bản nghiên cứu nhìn nhận rằng sau khi Bắc Kinh đã bồi đắp và biến bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (mà họ từng cướp của Việt Nam năm 1988) thành các căn cứ quân sự quy mô và tối tân cũng như cơi nới mở rộng một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa (cướp của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974) thì gần như Trung Quốc đã khống chế toàn bộ Biển Đông.

Trước tình thế như vậy, bản nghiên cứu trên nói mục đích tổng quát của Mỹ là cạnh tranh với Trung Quốc ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông như cam kết đóng góp bảo vệ an ninh ở vùng Tây Thái Bình Dương xuyên qua các hiệp định an ninh hỗ tương với các đồng minh và đối tác. Nhờ vậy có thể đạt được khả năng cân bằng quyền lực để bảo vệ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khu vực bằng các giải pháp ôn hòa, chống lại trò lấy “sức mạnh đẻ ra quyền.”

Các hoạt động “tự do hải hành” và “tự do phi hành” ở các vùng biển quốc tế ở khu vực “ngăn chặn Trung Quốc trở thành bá quyền khu vực Á Châu,” bản phúc trình viết.

Vấn đề đặt ra cho Quốc Hội Hoa Kỳ là chính sách đối phó với khu vực của chính phủ tân cử Joe Biden sẽ như thế nào, khác với chính sách đối địch của thời chính phủ tiền nhiệm Donald Trump, sẽ ra sao. Liệu chính phủ Biden có dành ra đủ ngân sách và nguồn lực quân sự để đối phó hay cần phải điều chỉnh, để từ đó, Quốc Hội sẽ chuẩn thuận, từ chối, hay điều chỉnh chiến lược, mức độ nguồn lực để thực hiện chính sách, hoặc cả hai.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông giữa Tháng Sáu, 2020. (Hình: ChinaMil)

Tổng Thống Biden đã gọi điện thoại cho Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi điện thoại cho Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin, cam kết sát cánh cùng đồng minh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Ngày 5 Tháng Hai, khu trục hạm USS John McCain đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Ba ngày sau, tức ngày 8 Tháng Hai, hai mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tập trận trên Biển Đông.

Các hoạt động vừa kể được giới phân tích thời sự cho là tín hiệu gửi cho Bắc Kinh biết Washington không bỏ chạy khỏi khu vực. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT