Friday, April 26, 2024

Mỹ: ‘Ngụy Phụng Hòa muốn gởi thông điệp cho các lãnh đạo không có mặt ở Shangri-La’

SINGAPORE, Shangri-La (NV) – “Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói cứng về Biển Đông và Đài Loan chính là muốn gửi thông điệp đến các quan chức lãnh đạo Trung Quốc không có mặt ở hội nghị Shangri-La.”

Bà Andrea Thompson, thứ trưởng đặc trách An Ninh Quốc Tế và Kiểm Soát Võ Khí hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Sáu, 2019 phản ứng như vậy về bài phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Ngụy Phụng Hòa, tại diễn đàn An Ninh Khu Vực Shangri-La.

Bà nói: “Cách tôi nhìn thấy là (lời của ông ta) đã được gọt dũa để các lãnh đạo của ông ta đang ở nhà nghe những điều họ muốn ông ta nói.”

Diễn đàn an ninh khu vực hàng năm được tổ chức tại khách sạn Shangri-La ở Singapore để các giới chức, chuyên viên khu vực và thế giới có thể trao đổi ý kiến và bày tỏ quan điểm.

Trước bà Thompson, Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe (Ngụy Phụng Hòa) cảnh cáo Hoa Kỳ là đừng có can thiệp vào vấn đề Đài Loan hay tranh chấp Biển Đông.

“Nếu bất cứ ai dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài chuyện chiến đấu đến cùng để bảo vệ thống nhất đất nước,” Ngụy Phụng Hòa nói.

Ông Ngụy còn dọa thêm rằng “Chúng tôi không cam đoan từ bỏ sự sử dụng võ lực.”

Trung Quốc đặc biệt đả kích chính phủ Mỹ đã gia tăng hậu thuẫn ngoại giao và quân sự cho Đài Loan, gồm cả việc cho chiến hạm qua lại nhiều lần trên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc như sự thách đố. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh “nổi loạn” từng đe dọa “thu hồi” bằng võ lực nhưng đến này vẫn chỉ chiêu dụ thống nhất trong hòa bình.

Chiến hạm Mỹ và cả các pháo đài bay B-52 làm nhiệm vụ “tự do hải hành” hay phi hành trên Biển Đông, có những lần đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo Hoàng Sa hoặc đảo nhân tạo ở Trường Sa. Bắc Kinh giận dữ đả kích Mỹ “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ” trong khi Hoa Kỳ coi đó là những vùng biển quốc tế và đang có tranh chấp giữa nhiều nước.

Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng đối phó với nhau trên nhiều mặt từ mậu dịch, kỹ thuật đến an ninh. Bắc Kinh cần tuyên truyền, vận động dư luận quần chúng trong nước qua hệ thống báo đài, trang mạng quốc doanh độc quyền, không ngoài nhu cầu hậu thuẫn cho chính sách và tham vọng của nhà cầm quyền trung ương.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-La, Singapore, hôm Thứ Bảy 1/6/2019. (Hình: ROSLAN RAHMAN/AFP/Getty Images)

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La, ông Ngụy Phụng Hòa trơ trẽn mô tả các hành động bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa là “hợp pháp” và các trang bị quân sự trên đó chỉ có tính cách “phòng thủ.”

Bắc Kinh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH năm 1974 sau một trận hải chiến, rồi đến năm 1988 mới đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Dù là “kẻ cướp” và bất chấp các thỏa thuận quốc tế nhưng tướng Ngụy Phụng Hòa lại gọi các hành động của Mỹ “tự do hải hành” là “muốn kiếm lợi ích bằng các sự gây rối ở khu vực.”

Năm 2002, Trung Quốc và 10 nước ASEAN ký bản “Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông” (DOC) xác định các nước kềm chế và giữa nguyên trạng các vùng biển có tranh chấp. Nhưng Bắc Kinh cậy quân sự hùng mạnh ăn trùm các nước nhỏ phía Nam, đặc biệt Việt Nam, cứ ngang nhiên biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam, thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ rồi xây dựng các căn cứ quân sự gồm cả cảng biển, phi đạo, nhà chứa máy bay, radar, viễn thông vệ tinh, bố trí các giàn hỏa tiễn phòng không và chống tàu biển.

Giới chuyên viên phân tích thời sự báo động nhiều lần là Bắc Kinh có tham vọng độc chiếm Biển Đông và vấn đề họ tuyên bố “vùng nhận dạng phòng không” trên Biển Đông có thể xảy đến khi tình hình căng thẳng hơn.

Hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Sáu, 2019, Quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại diễn đàn nói trên rằng Hoa Kỳ không muốn có xung đột, nhưng trò bắt nạt mà Bắc Kinh đang làm tổn hại chủ quyền các nước khác ở khu vực phải chấm dứt. (TN)

MỚI CẬP NHẬT