Thursday, April 25, 2024

Nắng gay gắt, nước cạn kiệt, đồng bào miền Trung đối diện đói, khát

PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Hàng chục ngàn hécta lúa vụ Hè Thu ở nhiều tỉnh miền Trung sắp chết khô, trong khi hơn 10,000 gia đình cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tờ Người Lao Động ngày 19 Tháng Bảy, 2019, dẫn tin từ ông Nguyễn Trọng Tùng, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Yên, cho biết hơn bảy tháng qua, nhiều cánh đồng ở Phú Yên “không có lấy một cơn mưa,” mực nước ngầm cũng cạn kiệt trong khi tỉnh có trên 4,000 hécta lúa Hè Thu ở nhiều huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An đang khô hạn.

Trên cánh đồng Bồ Lời (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) những thửa ruộng đang nứt nẻ, lúa cháy khô đến chuột cũng bỏ đi. “Chưa bao giờ hạn đến như vậy. Nắng gì mà nắng suốt bảy tháng. Năm nay đói là cái chắc,” Kỹ Sư Nguyễn Văn Thương, công tác trong chương trình “Cùng Nông Dân Ra Đồng” nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, cho biết thêm hiện mực nước ở các sông suối và các hồ chứa thủy lợi đang ở mức rất thấp. Trong khi đó, 90% giếng nước ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, đã cạn kiệt. Nhiều gia đình khoan thêm giếng sâu nhưng được vài hôm cũng cạn nước. Thế nhưng theo dự báo của Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, nắng nóng gay gắt vẫn tiếp diễn cho đến cuối Tháng Tám, 2019 nên diện tích lúa Hè Thu chắc chắn chết sạch.

Nông dân Phú Yên lo buồn vì ruộng lúa bị khô hạn nứt nẻ. (Hình: Lao Động)

Tương tự, ở Bình Định 140/165 hồ chứa thủy lợi cạn nước. Do nắng nóng kéo dài, gần 11,500 hécta lúa vụ Hè Thu và cả ngàn hécta cây trồng tại thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước… thiếu nước tưới, trong đó đã có khoảng 600 hécta chết khô.

“Trời nắng nóng như thiêu đốt nên bơm nước đầy ruộng mới ba ngày đã cạn sạch. Ruộng lúa khô nứt thế này nhưng cứu được lúc nào hay lúc đó chứ bỏ ruộng chết cháy thì lấy gì mà ăn,” anh Phan Văn Vĩnh (ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) nói.

Nắng nóng kéo dài, nhiều tháng liền không mưa cũng làm khoảng 10,062 gia đình phần lớn ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước… thiếu nước sinh hoạt.

Ngay cả Đầm Trà Ổ rộng khoảng 1,200 hécta, nằm ở phía Bắc huyện Phù Mỹ lâu nay hiếm khi cạn kiệt, thế nhưng hiện nay đầm đã khô cạn đáy.

Mỹ Bình là hồ nước ngọt lớn nhất huyện Hoài Nhơn, hơn một tháng nay đã xuống mực nước chết khiến hơn 5,000 gia đình ở vùng Tam Quan Bắc đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, phó giám đốc Nhà Máy Nước Tam Quan Bắc, cho biết nhà máy phải dùng ống to đưa ra giữa hồ để hút những giọt nước cuối cùng. “Nếu khoảng 10 ngày nữa không có mưa, nhà máy phải dừng hoạt động, hàng ngàn gia đình sẽ gặp khó khăn,” ông cảnh báo.

Hồ Mỹ Bình là hồ chứa nước ngọt lớn nhất huyện Hoài Nhơn nay đã khô cạn. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

Nói với tờ Người Lao Động, ông Trần Châu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh sẽ đề nghị công an, quân đội dùng các xe chuyên dụng để chở nước sạch đến tiếp tế cho các gia đình thiếu nước, tránh tình trạng mua nước sinh hoạt không rõ nguồn gốc gây nguy cơ dịch bệnh.

Tại tỉnh Quảng Nam, hơn hai tháng qua hầu như không có mưa, trong khi nắng nóng kéo dài liên tục. Hiện hàng loạt hồ thủy lợi, thủy điện ở phía thượng nguồn đều xuống dưới mực nước chết, không thể xả nước điều tiết xuống hạ du. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mặn xâm nhập sông Thu Bồn, làm nhiều cánh đồng ở thị xã Điện Bàn nứt nẻ và một số khu vực ở thành phố Hội An người dân thiếu nước sinh hoạt.

Cũng do không có mưa cộng với nguồn nước sông Cầu Đỏ xuống thấp và nhiễm mặn nặng đã khiến làng rau La Hường rộng hơn 10 hécta ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng), đang rơi vào cảnh kiệt quệ do thiếu nước tưới.

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Quảng Bình. Theo Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh này, tính đến đầu Tháng Bảy, mực nước nhiều hồ đập cũng xuống ở mức thấp nhất. Hiện chỉ có 3/17 hồ chứa đạt dung tích thiết kế. Dự báo tới cuối vụ Hè Thu sẽ có trên 3,600 hécta lúa khô hạn do không có nước tưới.

Theo Trung Tâm Nước Sạch và Vệ Sinh Môi Trường tỉnh Quảng Bình, gần như toàn bộ 113 công trình cấp nước ở tỉnh này đều không bảo đảm đủ dung lượng và phẩm chất nước cho người dân. Nhiều công trình nước và địa phương bị nhiễm phèn hoặc xâm nhập mặn, cụ thể như tại các vùng ở sông Gianh, sông Rào Nan.

Hạn hán trên diện rộng cũng đang hoành hành khắp tỉnh Quảng Trị, trong khi lượng nước các hồ chứa ở tỉnh này chỉ còn khoảng 27.7% so với dung tích thiết kế. Bên cạnh đó, mặn cũng đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Hơn 2,800 hécta lúa của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và thành phố Đông Hà đang khô kiệt. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT