Friday, April 26, 2024

Người Việt Nam ‘đau thương’ trong Tết nhất, hội hè

Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lẽ ra hội hè mang lại hứng khởi, khoái hoạt trong đời sống tinh thần, thì chúng ta lại đang thấy một bức tranh ngược lại với người Việt Nam trong nước. Vì sao vậy?

Sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, báo chí đưa ra những con số thống kê rùng mình. Chỉ từ 28 đến mồng 3 Tết, cả nước có trên 3,400 vụ đánh nhau nhập viện trong đó có 11 người tử vong. Trong 9 ngày nghỉ Tết, có 276 vụ tai nạn giao thông khiến 183 người chết và 241 người bị thương… Bất an và ám ảnh nhất là những cái chết “lãng nhách” xảy ra với dân lành khi di chuyển trên đường trong một điều kiện giao thông tồi tệ.

Thay vì đưa ra những biện pháp kiểm soát rủi ro giao thông hiệu quả, ngành giao thông vận tải các địa phương gần như tảng lờ trách nhiệm trước mọi sự và sau mỗi cái Tết hay mùa lễ hội, họ lạnh lùng đưa ra những con số thông kê “số người chết tăng/giảm so với cùng kỳ năm ngoái.” Nguyên nhân được đẩy về phía người dân.

Khi mạng người được tư duy là con số, những cái chết thương tâm, những mất mát không đáng có xảy đến ngay cả khi cộng đồng tưởng rằng mình đang tận hưởng niềm vui mang lại từ phong tục hội hè, Tết nhất.

Nhìn lại, thực tế cũng đang cho thấy rằng người Việt có xu hướng phi lý trí trong hội hè. Các làng quê ngày Tết đã không còn yên bình khi làng trên xóm dưới bị tra tấn bởi tiếng karaoke lè nhè bất kể ngày đêm. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có phát bluetooth và một chiếc loa du lịch công suất lớn (còn gọi là loa kẹo kéo) mua với giá một đến ba triệu đồng, là người ta có thể say sưa hóa thân từ boléro não tình đến nhạc chợ, từ rock đến hành khúc… và biến xóm giềng trở thành nạn nhân của tiếng ồn.

Hát và uống. Uống và ẩu đả. Những sự dắt dây luẩn quẩn đó sẽ còn kéo dài, khi người ta còn có tâm lý tha hóa trong phong tục, khi cái tâm lý “được mấy ngày Tết cứ chơi tới bến.”

Cảnh chen lấn hỗn loạn ở cổng vào khu vực lễ khai ấn đền Trần, tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Lẽ ra Tết là dịp tận hưởng sự thư nhàn, tái tạo năng lượng để bắt đầu một chặng đường của năm mới, thì nay, những hình ảnh trên báo chí hay mạng xã hội đang cho thấy những dòng người chen chúc, lấm lem trên các con đường dẫn vào Sài Gòn, Hà Nội. Cảnh tranh cướp ấn, giành lộc vẫn diễn ra tại các lễ hội miền Bắc.

Năm nay, con đường dẫn đến động Hương Tích, chùa Hương, theo báo Tuổi Trẻ mô tả là chật ních, đi 500m mất hết 2 giờ đồng hồ. Từ “thất thủ” được nhiều báo chí trong nước dùng mô tả thực tế ở các điểm đến văn hóa lễ hội tâm linh và cũng được dùng cho các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu…

Tết và hội hè đã không còn là khoảng thời gian yên tĩnh, nghỉ ngơi, tận hưởng thư nhàn bởi cái hấp lực của những phong tục không còn hợp thời cứ cuốn người ta vào vùng xoáy của sự vô độ, của những đám đông nhốn nháo như thể tìm thấy khoái cảm trong sự đày ải. Phong vị những cái Tết đầm ấm, nhẹ nhàng và những tâm niệm tốt đẹp, chân thiện không thể nào có được khi sự hài hòa bị phá vỡ và thay vào đó là những nỗ lực tranh chấp và phô trương.

Hội hè, lễ Tết tại Việt Nam đang cho thấy bức chân dung người Việt đớn đau và mất mát không chỉ về nhân mạng mà còn là sự mất mát sâu xa trong đời sống tinh thần.

Cảnh đút lót thần thánh, cảnh chen chúc giẫm đạp để sở đắc lộc, ấn, cảnh buông thả vô độ trong những thú tiêu khiển mới bất kể hệ lụy tới chung quanh… là phản ảnh rõ nét nhất của thực tế đời sống thường nhật.

Ngoài đường, mạng người bị coi thường, mọi rủi ro không được kiểm soát, trong xóm giềng, gia đình, tương quan tốt đẹp của con người bị bẻ gãy – những điều này cộng hưởng, làm nên một màu sắc hội hè Tết nhất phản văn minh.

Tết, hội hè lẽ ra phải đem lại sự thư thái trong tâm hồn, mở ra một viễn kiến lạc quan về tương lai nhưng những gì chúng ta đang trông thấy thì lại đầy ngổn ngang. (Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT