Wednesday, May 8, 2024

Đúng như ‘tin đồn,’ ông Nguyễn Xuân Phúc mất chức chủ tịch nước

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đúng như “tin đồn” những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa bị mất chức chủ tịch nước, sau cuộc họp bất thường Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội hôm 17 Tháng Giêng, theo báo điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đây là lần thứ hai một người trong “tứ trụ” của Việt Nam mất chức giữa nhiệm kỳ, nhưng là lần đầu tiên một chủ tịch nước đương nhiệm bị mất chức.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi Tháng Chín, 2021. (Hình minh họa: Eduardo Munoz – Pool/Getty Images)

Hồi năm 1997 ông Đỗ Mười trong lúc đang làm tổng bí thư cũng bị thay bằng ông Lê Khả Phiêu.

“Tứ trụ” là bốn chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam, bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch Quốc Hội.

Bản tin ghi: “Trung ương thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Trung Ương Đảng khóa 13, thôi giữ chức chủ tịch nước theo nguyện vọng cá nhân.”

Tại cuộc họp bất thường chiều 17 Tháng Giêng, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa 13 đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa 13, chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng, An Ninh nhiệm kỳ 2021-2026, vẫn theo tờ báo.

Bài báo viết tiếp: “Ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của đảng và nhà nước.”

Bản tin của báo đảng cũng khen ngợi ông Phúc trong thời kỳ làm thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, “có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng.”

“Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự,” bài báo cho biết tiếp. “Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.”

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn hai tuần lễ, ba nhân vật lãnh đạo cao cấp của Việt Nam mất chức, trong đó có hai ủy viên Bộ Chính Trị.

Hôm 30 Tháng Mười Hai, 2022, ông Phạm Bình Minh mất chức ủy viên Bộ Chính Trị, chức ủy viên Trung Ương Đảng, và chức phó thủ tướng thường trực, cùng ông Vũ Đức Đam, mất chức ủy viên Trung Ương Đảng và chức phó thủ tướng.

Sau đó, Bộ Chính Trị bổ nhiệm ông Trần Lưu Quang, bí thư Hải Phòng, và ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, làm phó thủ tướng.

Hiện chưa biết ai sẽ thay ông Phúc, hoặc ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, sẽ kiêm luôn chủ tịch nước như ông từng làm khi ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, qua đời năm 2018.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Bùi Văn Cường, tổng thư ký Quốc Hội, cho biết Ủy Ban Thường Vụ cơ quan lập pháp này quyết định sẽ “triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ ba, Quốc Hội khóa 15 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc Hội. Kỳ họp sẽ diễn ra vào chiều 18 Tháng Giêng.”

Như vậy, chắc chắn Quốc Hội Việt Nam sẽ miễn nhiệm luôn chức đại biểu của ông Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc tham dự thượng đỉnh APEC tại Bangkok, Thái Lan, hôm 18 Tháng Mười Một, 2022. (Hình: Lauren DeCicca/Getty Images)

Trước khi mất chức, ông Phúc xuất hiện khá nhiều trước công chúng.

Ngày 11 Tháng Giêng, ông vào Nam dâng hương các cố lãnh đạo và thăm các cựu lãnh đạo Cộng Sản.

Ngày 13 Tháng Giêng, ông xuất hiện ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, xem trận lượt đi chung kết cúp AFF giữa Việt Nam và Thái Lan.

Ngày 14 Tháng Giêng, ông và phu nhân cùng một số Việt kiều thả cá trong Hoàng Thành Thăng Long ở Hà Nội.

Ngày 15 Tháng Giêng, ông lại có mặt ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, thăm và tặng quà người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 16 Tháng Giêng, ông thăm và chúc Tết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, Sài Gòn, trước khi bay về Hà Nội để họp trung ương.

Hôm 14 Tháng Giêng, bà Lê Nguyễn Hương Trà, một blogger nổi tiếng, đăng bài ám chỉ ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ mất ghế ngay trước Tết Quý Mão 2023.

“Căng thẳng và kịch tính đến tận những phút cuối cùng, ngôi sao CLB [câu lạc bộ] bóng đá Quảng Nam đã bị rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu. Anh chuẩn bị rời sân, chấm dứt sự nghiệp cầu thủ nhà nghề,” Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết.

Tin đồn về việc ông Phúc mất ghế đã rộ lên từ nhiều tháng trước, với nguyên nhân được suy đoán là do bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông, là “trùm cuối” trong vụ Việt Á.

Thời điểm đó, mạng xã hội râm ran tin cho rằng ông Phúc bị “hạn chế xuất cảnh” trước khi được đảng cho phép đi thăm Thái Lan, Nam Hàn, Indonesia… hồi Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai năm ngoái.

Chỉ dấu rõ nhất cho việc ông Nguyễn Xuân Phúc sắp mất ghế là vụ bắt, khởi tố bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, 45 tuổi, giám đốc công ty SNB Holdings, và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam với cáo buộc “có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số bộ, ngành tạo điều kiện giúp công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi,” hôm 4 Tháng Giêng, theo báo Nhân Dân.

Công ty SNB Holdings liên quan một loạt doanh nghiệp “họ” SNB, trong đó có công ty Thế Giới Tuổi Thơ (Soc&Brothers) và công ty Phân Phối SNB (SNB Distribution).

Đáng nói, theo một số văn bản rò rỉ trên mạng xã hội, doanh nghiệp này được cho là do bà Nguyễn Thị Xuân Trang, con gái ông Nguyễn Xuân Phúc, đứng sau và nắm quyền sở hữu.

Trong khi đó, tin đồn trên mạng xã hội nói rằng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy là cháu ruột bà Trần Thị Nguyệt Thu.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, 69 tuổi, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là chủ tịch nước thứ mười của Việt Nam từ 5 Tháng Tư, 2021.

Trước đó, ông làm thủ tướng từ năm 2016-2021, sau khi làm phó thủ tướng thường trực dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.

Ông cũng từng là bộ trưởng-chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ và phó bí thư, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam.

Trước khi leo lên các vị trí chóp bu của đảng, vị trí ban đầu của ông Phúc là cán bộ Ban Quản Lý Kinh Tế Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hồi năm 1980. (Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT