Sunday, May 19, 2024

Những sự kiện nổi bật trong năm 2023 tại Việt Nam

  1. Nguyễn Xuân Phúc mất ghế chủ tịch nước

Ông Nguyễn Xuân Phúc “xin thôi chức” chủ tịch nước ngày 4 Tháng Hai, 2023, hai tuần lễ sau Tết Quý Mão, gây ngạc nhiên dư luận trong ngoài nước. Ông Phúc là một trong những người được cho là có thể leo lên ghế tổng bí thư đảng CSVN khi ông Nguyễn Phú Trọng nhất định về vườn.

Nguyễn Xuân Phúc đánh trống mở đầu chương trình “Xuân Quê Hương” ngày 14 Tháng Giêng, 2023, tức một tuần lễ trước Tết Quý Mão. Ba tuần sau thì ông này mất chức. (Hình: VietNamNet)

Trong lá đơn xin từ chức, ông Phúc nói rằng ông “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu chính phủ” vì đã xảy ra những vụ án tày đình như Việt Á, chuyến bay giải cứu. Không mấy ai tin là tự dưng ông ta lại nộp đơn từ chức. Giới bình luận thời sự Tây phương cho rằng ông Trọng mượn cơ hội này để gạt ra ngoài một kẻ nhăm nhe kế vị ông mà ông không muốn.

Việc Nguyễn Xuân Phúc mất ghế khi chưa ngồi được nửa nhiệm kỳ kéo theo hai ông phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Lê Đức Đam. Một ông bị cột trách nhiệm về “bay giải cứu” trong khi ông kia về kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á. Giới bình luận Tây phương cũng cho đây là trò loại bỏ phe cánh đối thủ trước đại hội đảng kỳ tới. Bởi vì tham nhũng thì trong ngoài, trên dưới chằng chịt với nhau nên bị bắt bỏ tù chỉ là những “đồng chí bị lộ” mà thôi.

Dư luận đồn đãi vợ ông Phúc là “trùm cuối” trong vụ đại bịp kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á dẫn đến chuyện ông bị cưa ghế chủ tịch nước. Tuy nhiên ông thanh minh là vợ con ông không liên can gì vào cái ngày ông “xin thôi chức.”

2. Cháy ở quận Thanh Xuân Hà Nội, 56 người chết

Gần 2,000 vụ cháy lớn nhỏ xảy ra tại Việt Nam trong năm 2023 làm thiệt mạng 144 người và bị thương 113 người, chưa kể các thiệt hai vật chất. Kinh khủng nhất là vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân Hà Nội khiến cho 56 người thiệt mạng lúc gần nửa đêm 12 Tháng Chín.

Chung cư mini tại quận Thanh Xuân Hà Nội cháy làm chết 56 người vì không có lối thoát hiểm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tòa nhà cao chín tầng, xây vượt phép ba tầng, chỉ có một cầu thang nhỏ bé lên xuống duy nhất cho 45 căn hộ với khoảng 150 người trú ngụ. Tòa nhà như một cái ống hình cạnh vuông, khi đám cháy xảy ra ở tầng 1 thì những ai ở các tầng trên không nhanh chân chạy kịp đều bị nạn.

Sau hỏa hoạn kinh hoàng này, người ta mới điều tra thấy hàng ngàn căn chung cư tương tự trên cả nước, đặt biệt tại hai thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Sài Gòn, đều xây cất sai giấy phép và không tuân theo các biện pháp phòng cháy chữa cháy. Các quan chính quyền địa phương bắt tay nhau ăn hối lộ, nhắm mắt mặc cho người dân làm bậy, bất chấp hậu quả.

3. Nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật

Tổng thống Mỹ đến Hà Nội ngày 10 Tháng Chín ký kết nâng cấp với Việt Nam lên thành “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện,” ngang tầm với Nga và Trung Quốc. Đến cuối Tháng Mười Một thì cũng nâng quan hệ với Nhật Bản lên thành “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện.”

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Thống Mỹ Joe Biden ngày 10 Tháng Chín, 2023. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Hai biến cố liên tiếp này được diễn dịch như CSVN tìm chỗ dựa đối trọng với sức ép chính trị từ Bắc Kinh dù Hà Nội vẫn cần dựa vào Bắc Kinh để tồn tại, đặc biệt về kinh tế.

Giới bình luận quốc tế không tin nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật có nghĩa Hà Nội đi vào quỹ đạo của Washington. Thật ra đó chỉ là cách để Hà Nội đu đưa để tồn tại trong một thế giới đầy biến động và nhiều áp lực. Vì vậy, trong những năm tới, CSVN còn muốn nâng cấp ngoại giao lên hàng “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với nhiều quốc gia khác, trong đó gồm cả Úc.

4. Tập Cận Bình thăm Việt Nam

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phái đoàn cấp cao thăm Việt Nam hai ngày 10 và 11 Tháng Mười Hai được guồng máy tuyên truyền của chế độ ca ngợi là dấu mốc mới trong mối quan hệ giữa hai nước Cộng Sản anh em.

Nguyễn Phú Trọng đón Tập Cận Bình thăm Việt Nam ngày 12 Tháng Mười Hai, 2023. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

Ba tháng sau khi Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp đón phái đoàn Tập Cận Bình đến Hà Nội như một cách thanh minh với phương Bắc rằng CSVN tuy năm nay có ký thỏa hiệp nâng cấp quan hệ “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với hai siêu cường đối đầu với Trung Quốc, không có nghĩa là thân phận phên giậu này có ý định bám theo đế quốc để trở thành “thù địch.”

Tập Cận Bình dịp này ra sức ép cho ông Trọng hiểu rằng muốn tránh rắc rối, tránh các đòn trả thù khó chống đỡ, hãy đi theo kim chỉ nam “cùng chung vận mệnh,” “chung một tương lai” được vạch ra với “một vành đai, hai hành lang” được Bắc Kinh cổ võ cả chục năm qua.

Bản tuyên bố chung giữa CSVN và Trung Quốc ngày 13 Tháng Mười Hai chỉ tóm tắt trong ba chữ áp đặt “chung tương lai” mà trong bụng ông Trọng không biết thế nào, ngoài mặt phải làm ra vẻ hớn hở.

5. Cắt điện luân phiên, thiệt hại kinh tế $1.4 tỉ

Việc cắt điện luân phiên tại nhiều tỉnh miền Bắc hồi cuối Tháng Năm sang nửa đầu Tháng Sáu ước tính đã gây thiệt hại kinh tế khoảng $1.4 tỉ. Người dân không có điện thắp sáng buổi tối đã đành, các khu công nghệ sản xuất hàng điện tử để xuất cảng cũng phải dừng hoạt động.

Dư luận phẫn nộ khi thời tiết nắng nóng lại cúp điện và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý giới đầu tư ngoại quốc. Hậu quả đầu tiên là công ty Intel loan báo bỏ ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Thợ điện sửa đường dây cao thế. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/getty Images)

Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện tại Việt Nam, đặc biệt tại một số tình miền Bắc, được quan chức ngành điện đổ tội cho nguồn điện cung ứng từ các nhà máy thủy điện bị giảm sút bất thường. Lưu lượng nước về các hồ thủy điện xuống thấp hơn bình thường, ảnh hưởng khả năng phát điện. Nhiều hồ thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên còn xuống thấp hơn mực nước chế để có thể phát điện.

Trong khi đó, các nguồn điện tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió thì hãy còn ít và cũng “không bảo đảm an toàn” cho mạng lưới truyền tải điện 500kV. Cuối cùng thì một số ông quan ngành điện bị bỏ tù để làm dịu sự phẫn nộ của quần chúng.

6. Sáu người chết bất thường ở trụ sở công an 

Ít nhất có sáu người chết bất thường khi mới bị công an bắt chỉ một vài ngày hay một vài giờ tại Việt Nam trong năm 2023.

Người đầu tiên là Nguyễn Tấn Dương, 26 tuổi, chết ngày 25 Tháng Năm khi bị Công An Huyện Bù Đăng bắt giam vì nghi ngờ trộm cắp dây điện. Bác sĩ bệnh viện nói rằng Dương bị “phù phổi cấp” nên chết nhưng những hình ảnh do bà vợ anh ta công bố trên Facebook cho thấy thi thể của anh có rất nhiều vết tích nhục hình khắp người. Ngực, chân, bị mổ rồi khâu lại, dấu tích bị tra tấn đến chết.

Nạn nhân thứ hai là bà Thào Thị A, 61 tuổi, bị bắt giam vì sử dụng ma túy. Bà bị buộc đi cai nghiện thì công an nói bà treo cổ tự tử ngày 31 Tháng Năm ở trụ sở Công An Xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Không có một chi tiết nào về khám nghiệm pháp y được công bố.

Nạn nhân thứ ba là Rcom Jack, 27 tuổi, bị cho là treo cổ tự tử tại trại tạm giam Công An Huyện Kon Rẫy, Kontum, ngày 18 Tháng Chín. Rcom là nghi can “cướp tài sản.” Không có chi tiết nào về khám nghiệm pháp y được công bố.

Nạn nhân thứ tư là Nguyễn Văn Hưng, 44 tuổi, chết ngày 18 Tháng Chín tại nhà tạm giam Công An Hà Giang. Công an địa phương nói ông này tự tử bằng cách “tự buộc chân, buộc tay và tự dìm đầu vào bể nước.” Không ai tin người ta bị bắt giam, bị trói hay còng mà có thể đi tìm bể nước mà tự tử kiểu đó. Công an cấm gia đình nạn nhân quay phim, chụp hình khi nhận xác về chôn cất.

Nạn nhân thứ năm là Bùi Văn Hải, 28 tuổi, nghi can trộm chó bị Công An Huyện Đức Linh, Bình Thuận, bắt ngày 3 Tháng Chín. Ông Hải được Công An đưa tới bệnh viện với dấu hiệu “mệt, khó thở” rồi chết ở bệnh viện Nam Bình Thuận với rất nhiều dấu tích trên thi thể. Vợ ông viết trên Facebook kêu gọi mọi người giúp “lấy lại công bằng” cho chồng vì cả người dập nát. Bà nói “Công an coi mạng người như cỏ rác.”

Nạn nhân thứ sáu là Nguyễn Minh Sự, 40 tuổi, bị Công An Huyện Tiên Phước, Quảng Nam, bắt trưa ngày 19 Tháng Chín, tình nghi bán ma túy. Ông bị cho là lấy “dây vải mùng” để treo cổ tự tử. Thân nhân khi chứng kiến khám nghiệm pháp y cho biết trên người ông đầy dấu vết bị tra tấn, nhục hình, kể cả một vết lõm ở trên đầu vì bị vật cứng đánh vào.

CSVN đã ký vào “Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn” từ năm 2013 nhưng hàng năm vẫn có rất nhiều người bị Công An nhục hình ép cung đến chết. Đại đa số các nạn nhân bị gán cho là “tự tử” để các tên thủ phạm công an thoát tội đánh chết người.

7. Người Việt Nam chỉ được có nhân quyền từ năm 2099

Tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn không hề cải thiện. Hàng chục người vận động nhân quyền, dân chủ hóa tại Việt Nam bị bắt và kết án tù trong năm 2023 dù Hiến Pháp của chế độ công nhận công dân có đủ mọi quyền tự do căn bản.

Ông Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù ở Hà Nội ngày 12 Tháng Tư 2023 theo điều 117 Luật Hình sự CSVN. (Hình: FB Nguyễn Lân Thắng)

Ít nhất 23 người đã bị chế độ Hà Nội bắt với các cáo buộc như “tuyên truyền chống nhà nước…” “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, “âm mưu hoạt động lật đổ…” trong năm 2023. Một số họ đã bị kết án tù.

Điều khôi hài nhất là trong một văn bản gửi Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, chế độ Hà Nội cho hay họ sẽ tôn trọng đầy đủ các quyền con người như các nước dân chủ khác vào năm 2099, tức 76 năm nữa. Còn cho tới khi đó thì họ vẫn cứ khủng bố, bắt bỏ tù bất cứ ai đòi hỏi nhân quyền, dân chủ.

CSVN ký công nhận “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” từ năm 1982, đến năm 2013 thì ký tên vào “Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn.” Dù vậy, họ vẫn làm ngược lại các cam kết quốc tế và bây giờ “nói lại cho rõ” là đến cuối thế kỷ này may ra mới thấy mặt mũi nhân quyền. Không ai tin cái chế độ độc tài đảng trị này còn tồn tại tới ngày đó. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT