Thursday, April 25, 2024

Nông dân Quảng Ngãi ‘khóc ròng’ vì Trung Quốc ngưng mua ớt

QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Do Trung Quốc ngưng nhập cảng đã làm giá ớt ở miền Trung rớt “thê thảm,” khiến hàng ngàn nông dân ở huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, lao đao bỏ mặc ruộng ớt vì tiền công hái cao hơn tiền bán, đối mặt với nhiều khó khăn…

Báo Zing dẫn lời lãnh đạo huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết năm nay nông dân ở các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ và thị trấn Sông Vệ… trồng khoảng 170 hécta ớt và đang trong mùa chín rộ. Thế nhưng, hiện thương lái thu mua ớt trái chỉ 10,000 đồng (43 cent) cho 3 kg, “thấp nhất từ trước đến nay.”

Giá rớt “thê thảm,” người dân mang ớt ra dọc theo đường đi ở thành phố Quảng Ngãi để phơi khô bán trong nội địa làm sa tế, ớt bột khô. (Hình: Minh Hoàng/Zing)

Ông Nguyễn Tấn Hồng (ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) cho biết: “Gia đình tôi thuê nhân công mỗi ngày trả 200,000 đồng ($8.67)/người, trong khi ớt thu hoạch bán ra không đủ trả tiền công lao động, chưa kể vốn đầu tư, công chăm sóc. Xem như vụ này lỗ nặng.”

Nói về nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Ký (ngụ xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi), một thương lái thu mua ớt, cho biết. “Trung Quốc ngưng nhập cảng khiến ớt liên tục hạ giá từ 30,000 đồng ($1.30) hồi đầu mùa, nay xuống còn 4,000 đồng (17 cent) mỗi kg. Mọi khi vận chuyển container ớt đi Trung Quốc, chúng tôi chỉ mất hai ngày, với chi phí khoảng 50 triệu đồng ($2,168)/container, nhưng giờ xuất ớt đi các nước khác mất nhiều thời gian và tốn kém cũng nhiều hơn nên đành chịu.”

Tương tự huyện Tư Nghĩa, năm nay nông dân huyện Bình Sơn cũng khốn đốn khi trồng đến 400 hécta ớt.

Ông Đỗ Thiết Khiêm, chủ tịch huyện Bình Sơn, cho biết từ ngày 1 Tháng Tư đến nay, ớt trong giai đoạn chín rộ nhưng thương lái Trung Quốc ngừng nhập cảng. Mặt khác, năm nay nông dân ở huyện trồng ớt tăng hơn năm ngoái khoảng 50 hécta, lên khoảng 400 hécta, đẩy cung vượt cầu khiến giá ớt giảm mạnh, đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Để giảm thiểu thiệt hại, nông dân các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà mang ớt ra phơi dọc theo con đường Trường Sa, thành phố Quảng Ngãi. Sau khi phơi khô, họ mang bán cho các cơ sở chế biến làm sa tế, tương ớt, ớt bột khô… tiêu thụ thị trường nội địa.

Trả lời báo Zing về việc bất cập này, lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Ngãi, giải thích chung chung cho rằng chính quyền “không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng ớt. Việc đầu tư trồng ớt khắp nơi không tuân thủ quy hoạch, mang tính may rủi đã khiến cho người dân lâm vào cảnh ‘được mùa, mất giá’ kém hiệu quả kinh tế.”

Trước đó hồi đầu Tháng Tư, báo Người Lao Động cho hay thị trường ớt xuất cảng đi Trung Quốc bất ngờ ngưng “ăn hàng” đã khiến giá ớt tại huyện Phù Mỹ “thủ phủ ớt” của tỉnh Bình Định chỉ thiên còn 16,000 đồng (69 cent)/kg, giảm gần phân nửa so với đầu vụ, trong khi ớt chỉ địa hồi đầu vụ có giá 33,000 đồng ($1.4)/kg, nay giảm xuống 10 lần so với khoảng một tuần trước đây và 50 lần so với trước Tết Nguyên Đán Tân Sửu, khiến nông dân buồn so dù đang vào mùa thu hoạch chính vụ.

Ớt bán không đủ trả tiền thuê nhân công, nhiều nông dân xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, bỏ mặc trên ruộng. (Hình: Minh Hoàng/Zing)

Ông Trần Minh Tuấn, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Phù Mỹ, thừa nhận từ nhiều năm qua, phần lớn ớt thu hoạch ở địa phương được nông dân bán cho các đại lý trong huyện để xuất cảng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, một tuần nay, phía Trung Quốc đột ngột không “ăn hàng” nên giá ớt giảm mạnh.

“Giá ớt hạ là do đầu ra không ổn định, nông sản của nông dân còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây là bài toán nan giải từ nhiều năm qua, nhưng chính quyền tỉnh vẫn chưa tìm ra cách khắc phục,” ông Tuấn cho biết. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT