Thursday, April 25, 2024

Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đã tỉnh và ăn cháo’?

Cát Linh/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Sáng 15.4: đã tỉnh và ăn cháo. Chiều 15.4: vẫn Chợ Rẫy.” – Đó là những dòng cập nhật về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước CSVN, trên trang facebook Lê Nguyễn Hương Trà vào cuối ngày 15 Tháng Tư, 2019, theo giờ Việt Nam.

Một ngày trước đó, hôm 14 Tháng Tư, facebooker này loan tin ông Nguyễn Phú Trọng vào cấp cứu ở Khoa Nội B, bệnh viện Đa Khoa Kiên Giang. Sau đó, lúc 3 giờ 35 phút chiều, đưa lên Sài Gòn bằng máy bay đến Tân Sơn Nhất rồi vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Tin tức này sau đó lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, trong lúc truyền thông nhà nước CSVN hoàn toàn không lên tiếng, chỉ trừ thông tin ông Trọng đang có chuyến thăm và chỉ đạo ở tỉnh Kiên Giang trong hai ngày 13 và 14 Tháng Tư, 2019.

Nếu như trong hai ngày qua, 14 và 15 Tháng Tư, truyền thông tại Việt Nam do nhà nước quản lý hoàn toàn im tiếng về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, thì mạng xã hội và truyền thông hải ngoại đang có cách đưa tin rất khác nhau.

Mạng xã hội

Lúc 7 giờ 30 phút sáng 16 Tháng Tư (giờ Việt Nam), trên trang Facebook cá nhân của của ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, viết: “1,000 cơ quan báo đài vẫn im phăng phắc về bệnh tình của ông Trọng.”

Đây không phải là chuyện ngạc nhiên cũng không phải là lần đầu tiên truyền thông “lề phải” có phản ứng như thế mỗi khi có “hữu sự” về tình hình sức khỏe của các cấp lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Các trường hợp như ông Đinh Thế Huynh, ông Trần Đại Quang, xa hơn nữa, năm 2015, ông Nguyễn Bá Thanh là những ví dụ rất cụ thể.

Thế nhưng lần này, với chính người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam, người hay được gọi là “Thái Thượng Hoàng” của đảng, ngay cả cách đưa tin của mạng xã hội cũng có nhiều sự khác biệt.

Tin về sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng được đưa chi tiết từ Facebook của hai blogger nổi tiếng, những nội dung họ đăng tải có tầm ảnh hưởng khá lớn với dư luận, đặc biệt là với những chuyện được cho là “thâm cung bí sử,” đó là Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) và Người Buôn Gió.

Sau đó nguồn tin được lan tỏa. Ngay cả nhà báo Lê Trung Khoa, chủ trang báo mạng Thời Báo bên Đức, trong những bảng tin đầu tiên về sức khỏe ông Trọng cũng dẫn nguồn tin từ Facebook của blogger Lê Nguyễn Hương Trà.

Khung cảnh công an đứng canh bên ngoài bệnh viện Chợ Rẫy chiều 14 Tháng Tư, nơi ông Nguyễn Phú Trọng được đưa vào cấp cứu. (Hình: Facebook Huỳnh Phương)

Một điều đặc biệt, nhà báo nổi tiếng có tầm ảnh hưởng không kém khi đưa tin về chuyện “cung đình,” đó là nhà báo Trương Huy San (Osin Huy Đức) thì lần này lại hoàn toàn “trắng” thông tin trên trang cá nhân.

Nhà báo Huy San là người từng đăng những dòng tin đầu tiên về sức khỏe ông Đinh Thế Huynh, ông Trần Đại Quang. Sau đó, báo chí trong nước mới đưa tin.

Truyền thông hải ngoại

Cho đến chiều tối ngày Thứ Hai, 15 Tháng Tư, khi những thông tin mới nhất, khá chi tiết về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng được đăng tải trên tờ Thời Báo:

“15.04.2019: Cập nhật lúc 21:30 (giờ VN) từ bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM: Bà Ngô Thị Mận, vợ của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại TP. HCM. Ban Bảo Vệ, Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương đang thảo luận phương án di chuyển ông Nguyễn Phú Trọng ra Hà Nội vào ngày mai.”

Trong lúc đó, các cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFA chỉ dừng lại ở các bản tin khiêm tốn.

VOA chỉ đăng tải một bài duy nhất có nội dung: “Ông Nguyễn Phú Trọng trong top tìm kiếm ở Việt Nam” vào ngày Chủ Nhật 14 Tháng Tư, 2019.

Trong đó có chi tiết: “Do là ngày nghỉ, VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với phía Việt Nam để xác minh thông tin liên quan tới tình hình sức khỏe của ông Trọng.”

Cũng trong ngày Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, 2019, BBC có bài viết: “Mạng xã hội ồn ào tin sức khỏe TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.” Trong đó cũng nhắc đến tên ông Nguyễn Phú Trọng có lúc đứng đầu trong danh sách tìm kiếm trên Google tại Việt Nam trong ngày 14 Tháng Tư và “nguyên do là vì xuất hiện tin không chính thức nói ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện sáng 14 Tháng Tư trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang.”

Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho đến ngày Thứ Hai, 15 Tháng Tư, 2019, mới có bài tổng quát nói về “Tranh cãi tình hình sức khỏe của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đâu là sự thật?”

Bài viết này cũng có nhắc đến nguồn tin từ Người Buôn Gió, Lê Nguyễn Hương Trà và những thông tin trên mạng xã hội khác.

Trong khi đó, vào cuối buổi phỏng vấn mới nhất do Người Việt thực hiện với Tiến sĩ Kinh Tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, ông có đề cập chi tiết: “Bước ngoặt lớn của chính trường Việt Nam có diễn ra hay không hoặc diễn ra như thế nào thì câu trả lời sẽ ở sự xuất hiện của ông Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp gần nhất.” (Cát Linh)

MỚI CẬP NHẬT