Friday, April 26, 2024

Phạm Thanh Nghiên nhận giải Văn Việt cho bút ký kể chuyện nhà tù CSVN

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Ba, giải Văn Việt công bố một trong các tác phẩm được vinh danh năm nay là cuốn bút ký “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” của bà Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm và dân oan vườn rau Lộc Hưng.

Bà Nghiên ra tù Tháng Chín, 2012, sau khi thụ án bốn năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Bà Phạm Thanh Nghiên là cựu tù nhân lương tâm và dân oan vườn rau Lộc Hưng. (Hình: Facebook Phạm Thanh Nghiên)

Tháng Giêng, 2019, căn nhà nhỏ mới xây của gia đình bà Nghiên và hơn 500 căn nhà khác ở vườn rau Lộc Hưng bị chính quyền ở Sài Gòn cưỡng chế.

Tác phẩm của bà từng được tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản tại Mỹ vào Tháng Mười Một, 2017, và sau đó được nhà xuất bản Tự Do ấn hành và tái bản nhiều lần ở Việt Nam.

Văn Việt được biết đến là giải thưởng của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam nằm ngoài sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN, do nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ tịch hội đồng giải thưởng. Mỗi giải kèm theo một khoản hiện kim tượng trưng là $1,000.

Theo thông báo đăng tải trên trang VanViet.info, bà Nghiên “chưa từng theo học một trường dạy viết văn hay đào tạo báo chí nào như một số người đồn đoán, tấm bằng duy nhất và cao nhất mà bà có được là bằng cấp 3 bổ túc.”

“Công việc viết lách của Phạm Thanh Nghiên bắt đầu từ cuối năm 2006 với những bút hiệu ẩn danh, chủ yếu là các bài báo, bản tin ngắn phản ảnh tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Năm 2007, Phạm Thanh Nghiên công khai danh tính trong nhiều bài viết tuy vẫn duy trì các bút hiệu khác,” trang Văn Việt cho biết.

Viết trên trang cá nhân, bà Nghiên cho biết bà “không khỏi bất ngờ” khi nhận email báo mình được trao giải Văn Việt.

“Tôi thật sự lấy làm vinh dự cho việc chọn lựa này, vì quả thực, tôi chưa bao giờ nghĩ một kẻ tay ngang về viết lách như mình lại có thể nhận được sự chú ý từ những nhà văn chuyên nghiệp và có tên tuổi từ Văn Đoàn Độc Lập, một trong những nhóm dân sự tự do ít ỏi còn giữ được hoạt động ở Việt Nam, sau 2020 đến nay. Tôi hãnh diện được gọi tên, vì Văn Đoàn Độc Lập là nơi quy tụ nhiều cây bút tự do đang hiện diện ngay trong lòng chế độ, nơi mà mọi thứ đều bị kiểm duyệt hoặc cấm đoán,” bà Nghiên viết.

Cuốn “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” của bà Phạm Thanh Nghiên từng được nhà xuất bản Tự Do ấn hành. (Hình: Facebook Nhà Xuất Bản Tự Do)

Nữ cựu tù nhân lương tâm cũng không quên “mời gọi những nhà văn, những cây bút chuyên nghiệp hãy đặt xuống sức mạnh quan sát và niềm hy vọng tự do của mình để người Việt còn một cơ may nhìn lại, đọc lại, nghe lại sự thật trên đất nước mình.”

Trong lời giới thiệu cuốn “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt,” ông Đào Trường Phúc viết: “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, nhan đề mà Tủ Sách Tiếng Quê Hương chọn cho tác phẩm của Phạm Thanh Nghiên, có thể được hiểu là cuốn hồi ký đầu tiên viết bởi một nữ tù nhân lương tâm về kinh nghiệm lao tù dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam.”

“Chẳng những cuốn hồi ký của Phạm Thanh Nghiên đưa ra ánh sáng các thủ đoạn quỷ quyệt của bộ máy cầm quyền Cộng Sản – từ lực lượng công an đến hệ thống tòa án – nhằm tròng bản án ‘tù hình sự’ lên đầu những người tranh đấu bất bạo động, mà cuốn hồi ký còn cho thấy những lời tuyên bố theo kiểu ‘ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay tù chính trị’ chỉ là trò dối trá để gạt gẫm dư luận, còn trên thực tế thì các trại tù đều nhận chỉ thị thi hành triệt để chính sách ‘cô lập hóa’ các tù nhân chính trị bằng cách dụ dỗ hoặc đe dọa những người tù hình sự ở chung với họ…” (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT