Monday, March 18, 2024

Phố cổ Hà Nội ngày cận Tết

Bài và hình: Lê Minh/Người Việt

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thành phố Hà Nội với hơn 8 triệu dân, sống trong diện tích chật hẹp, khoảng 3,328 km vuông, mật độ dân số khoảng 2,500 người/km vuông. Tuy nhiên thực tế con số này còn cao hơn nhiều vì dân nông thôn bỏ ruộng đồng lên thủ đô kiếm sống khắp phố phường.

Hà Nội những ngày 27 Tháng Chạp ồn ào, náo nhiệt. Người, xe cộ như nêm trên đường phố, tranh nhau từng tấc đường để vượt thoát cảnh kẹt xe. Thời tiết dễ chịu chiều lòng khách du xuân.

Hà thành nổi danh với 36 phố phường, giới chức địa phương gọi các khu phố này là những “tuyến đường phố văn minh đô thị,” khuyến cáo không được để xe trên đường dành cho người đi bộ, không lấn chiếm lề đường làm kinh doanh, không xả rác… Nhưng “trên bảo dưới không nghe,” thực tế hoàn toàn trái ngược, người sống với rác và bụi bặm… Không có lối đi trên vỉa hè, người đi bộ tràn xuống đường chen lấn với xe cộ tìm lối bước tới.

Đường phố cổ Hà Nội luôn chật kín người dịp trước Tết.

Chúng tôi chọn khu phố cổ, góc Gia Như và Đinh Liệt tạm trú cho tiện việc di chuyển, ăn uống hàng ngày và dễ dàng và được nhìn cận cảnh sinh hoạt của dân Hà Thành. Người dân sành món ngon, đều tìm đến nơi này để mua thức ăn hàng ngày.

Hà Nội xưa nay vẫn thế, mỗi cột đèn, mỗi kẽ hở bên vỉa hè, mỗi ngõ hẻm, góc phố, chỗ nào cũng hàng quán, thúng mẹt, gánh gồng của những người cùng đinh kiếm sống qua ngày. Họ bán từng trái cóc, quả cam, quả quít, củ khoai, hoa quả cho người qua kẻ lại trên đường.

Khách sà xuống lòng hè phố, ngồi trên chiếc ghế đẩu là có ăn ngay. Hàng quán không thiếu món gì, chỗ nào cũng phở, miến lươn, bánh cuốn, bún ốc, cháo sườn, que thịt nướng, củ khoai lang, quả táo dầm, uống bát chè xanh, rít điếu thuốc lào là tạm ấm bụng.

Một cụ bà bán trầu cau trên phố cổ Hà Nội.

Khách muốn thưởng thức “món ngon,” đành theo “tiêu chuẩn” Hà Thành, nhắm mắt nhìn ngơ, ngồi ăn với rác, cống rãnh chung quanh. Hàng quán sạch cũng có, nhưng không ngon, giá cả trên mây.

Trước đó, ngày giáp cúng Ông Táo về trời, phố xá nhộn nhịp từ sáng sớm. Hàng quán hai bên đường bán đủ loại thức ăn, nước uống. Cửa hàng bầy bán những chén xôi gấc, xôi vò, những chú gà sống luộc sẵn, chim câu chiên giòn, cá rán, cá chép, cá chắm mời gọi sản sàng. Hàng cá phóng sinh vô cùng đông khách. Hoa quả, cây trái tấp nập người mua.

Hà Nội có những nét đặc thù riêng biệt, đủ loại thức ăn bầy bán trên thúng và mẹt tre đặt trên chiếc xe đạp cũ, vừa dắt, vừa đạp, rao bán từng khu phố, từng góc đường, vừa dáo dác nhìn xem có cảnh sát ruồng bắt, đuổi đầu này, họ chạy đầu kia, đâu lại vào đó. Hoạt cảnh trong phố cổ như một chợ di động khổng lồ, mua gì cũng có, người dân quê buôn thúng, bán bưng đưa những thức ăn từ nông thôn bán quanh Hà Nội, họ đem đến tận nhà mời chào.

Cảnh mua bán quen thuộc trên phố cổ.

Thăm viếng khu phố Hàng Lược, nơi có chợ Hoa Tết truyền thống hàng năm, trai thanh, gái lịch tụ tập, lượn qua lượn hàng đào đỏ thắm, chụp cho nhau tấm hình lưu niệm. Người xem thì nhiều, người mua thì ít. Họ đợi đến ngày cuối, hy vọng giá hời hơn. Giới có máu mặt lên thẳng khu Nhật Tân mang về chậu quất, chậu đào trưng Tết.

Những người bán hàng rong, cô bán hoa Tết, dắt chiếc xe đạp cũ, mẹt chất đầy hoa, cúc vàng, đào đỏ, hoa hồng, huệ, thược dược, tạo nên nét văn hóa của Hà Nội xưa. Người dân nơi đây thích chơi hoa Đào đỏ, tượng trưng cho may mắn đầu năm hơn các loại hoa khác trong dịp Tết. Giá cả trong ngày cận Tết thật vô chừng, từ vào chục ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy cành đào nhỏ hay to.

“Chú ạ, ế lắm, Tết này bán hoa đào không chạy như những năm khác. Khí hậu nóng, đào nở trước Tết. Hơn nữa các vùng thượng du đem hoa về bán, đào truyền thống Nhật Tân bị cạnh tranh, không chừng cháu mất ăn năm nay,” chị Phấn, người bán hoa Tết than thở.

Một nhóm thanh niên vừa ăn vừa “hát cho nhau nghe” bên hồ Hoàn Kiếm.

Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh than phiền, phố “ông đồ viết thư pháp” – thường tạo dựng chung quanh tường của khu vực Quốc Tử Giám – tường xây bằng gạch vân đỏ rất hợp với sắc áo đen của các ông đồ, nay được di dời vào trong khuôn viên Hồ Văn (đối diện với Quốc Tử Giám). Chốn này tuy khang trang, dàn dựng công phu, nhưng mất đi nét đẹp tự nhiên truyền thống dân gian có từ lâu đời.

Đặc biệt, trung tâm hoạt đông Văn Hóa Khoa Học Văn Miếu đã mời được cụ đồ Cung Khắc Lược trở lại sinh hoạt với “Hội chữ Xuân Kỷ Hợi” năm nay cụ đồ Lược được xem là một trong nhà nho hiếm hoi, còn sót lại của thời xa xưa, cụ là một trong tứ trụ viết thư pháp nổi tiếng, hình ảnh của cụ gắn liền với Văn Miếu mỗi độ Xuân về. Cụ cho biết không còn viết thư pháp nữa, cho học trò cụ viết thay. Cụ ngồi đó thuyết pháp về nhân sinh quan cho chúng sinh.

Gà làm sẵn bán cho người mua về cúng trong ngày đưa ông Táo về trời.

Nhìn Cụ đồ Cung Khắc Liệt như đèn trước gió, nhưng tiếng nói vẫn oang oang “Chúng tôi đang sống trong thời kỳ mạt vận… chữ nghĩa rẻ như bèo…,” người nghe có cảm tưởng cụ đang bất bình sống trong giai đoạn bất trùng thời, ai oán thế thái nhân tình, buồn cho thân phận kẻ sĩ và con dân nước Việt.

Đêm về, sinh hoạt của Hà Nội tập trung trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Giới chức địa phương cho đóng các con đường chung quanh bờ hồ, vào cuối tuần trong những ngày gần Tết. Dân chúng thả bộ quanh hồ, hội nhảy đầm được dịp, đua nhau dìu bước trên đường phố trong điệu nhạc phương tây.

Một phụ nữ bán từng khúc mía trên phố cổ. Hình ảnh hiếm thấy ở các thành phố khác của Việt Nam.

Cứ vài gốc cây lại có chàng ca sĩ nghiệp dự mời kéo người qua lại tham gia mục hát cho nhau nghe, có trả phí, trẻ em nhảy dây, người lớn đá cầu, nhiều tay đàn tây ban cầm thuộc giới trẻ tụ lại hát du ca. Nhiều chương trình truyền hình cũng có mặt thực hiện phỏng vấn, phát tin sinh hoạt trên đường phố. Bờ hồ rực sáng ánh đèn mầu.

Người dân tạm quên những khó khăn, chung vui dăm ba ngày Tết chẳng còn bao xa. Ngàn năm Thăng Long, vạn chuyện kể, nhưng kể mãi cũng không cùng. (Lê Minh)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT