Friday, May 3, 2024

Quốc Hội CSVN sẽ họp tháng sau, tiếp tục ‘rà soát’ tập đoàn Thuận An

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quốc Hội CSVN loan báo lịch nhóm họp dự trù từ ngày 20 Tháng Năm đến 28 Tháng Sáu trong bối cảnh Sài Gòn và các tỉnh, thành khác xác nhận “rà soát” những hợp đồng thầu liên quan đến tập đoàn Thuận An.

Gần một tuần trước, vụ bắt giữ ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch tập đoàn Thuận An và một số thuộc cấp, làm dấy lên tin đồn ghế chủ tịch Quốc Hội của ông Vương Đình Huệ bị “lung lay,” do ông Hưng được cho là “sân sau” của ông Huệ.

Công luận đang chờ đợi xem liệu ông Vương Đình Huệ (trái) có còn nắm tay ông Nguyễn Phú Trọng vào hôm 20 Tháng Năm. hay không. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Trong lúc các báo hôm 21 Tháng Tư cho biết lịch trình họp của Quốc Hội là về việc thông qua một số luật, phê duyệt cơ chế cho tỉnh Nghệ An, điều khiến công luận quan tâm nhiều hơn là liệu ông Huệ có điều hành các phiên họp hay không.

Trong những ngày qua, bất chấp các tin đồn trên mạng xã hội về chuyện “ông Huệ có con với ca sĩ Hương Tràm,” cành cây trước nhà bị gãy “báo hiệu điềm xấu,” “phải nhập viện cấp cứu,” “trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt”…, ông Huệ vẫn hiện diện tại các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ họp Quốc Hội vào tháng sau, cũng như ký ban hành “nghị quyết” điều chỉnh chương trình lập pháp 2024…

Trong một diễn biến khác, tờ Tuổi Trẻ hôm 21 Tháng Tư cho hay, hai ban quản lý dự án ở Sài Gòn đồng loạt phát thư mời đại diện tập đoàn Thuận An họp về tiến độ của các hợp đồng thầu cơ sở hạ tầng đang triển khai.

Gần như cùng thời điểm, chính quyền các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Quảng Nam… cũng có hành động tương tự.

Trong số này, báo Lao Động dẫn lời giới chức Cục Đường Bộ Việt Nam, Bộ Giao Thông Vận Tải, cảnh báo sẽ thay nhà thầu nếu tập đoàn Thuận An không thực hiện đúng hợp đồng thi công hai dự án cầu đường ở tỉnh Quảng Nam.

Ba công trình hạ tầng của tập đoàn Thuận An tại Sài Gòn có nguy cơ bỏ dở thi công. (Hình: Thanh Niên)

Theo giới quan sát, vụ án liên quan tập đoàn Thuận An có nhiều điểm tương đồng với vụ án tập đoàn Phúc Sơn khiến ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, phải “xin nghỉ” hồi trung tuần tháng trước do có sai phạm “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước.”

Tuy vậy, khác với ông Thưởng “lặng lẽ” biến mất rồi làm đơn “xin thôi chức” sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn, thì ông Vương Đình Huệ vẫn điềm nhiên dự họp và xuất hiện trên truyền thông như một cách dập tắt những tin đồn về chuyện sắp “ngã ngựa.” (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT