Friday, April 26, 2024

Sài Gòn, đường Gò Cẩm Đệm lạ mà quen

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngày nay, hàng triệu người dân nhập cư nhất là thế hệ trẻ, ít ai có thói quen tìm hiểu về địa danh hay tên các con đường như những người Sài Gòn cố cựu. Không có gì quá đáng khi cho rằng với chuyện đổi tên đường cũ, đặt tên đường mới theo kiểu nhồi nhét tên anh hùng liệt sĩ hay công thần của chế độ Cộng Sản bất chấp mọi tiêu chuẩn lịch sử đã biến hệ thống tên đường ở Sài Gòn thành không gian rối rắm, khó nhớ và có khi làm du khách hay chính người dân muốn điên đầu.

Bên cạnh đó việc đặt tên lung tung, loạn xạ như hiện nay còn gây một hậu quả tệ hại hơn là xóa nhòa các địa danh văn hóa, lịch sử, danh nhân từng gắn liền với đất Sài Gòn gia định qua hàng trăm năm.

Nhiều người dân Sài Gòn lớn tuổi phải bất đắc dĩ trở thành bộ tự điển sống khi phải giải thích, chỉ vẽ do đâu mà có các địa danh như Cột Cờ Thủ Ngữ, Ngã Ba Chú Ía, Ngã Năm Chuồng Chó, Cột Đèn Năm Ngọn, Chợ Bà Quẹo, Chợ Cây Quéo, Cây Da Xà… Có người còn nói thẳng là nếu ông thầy Google không biết đủ rành các địa danh Sài Gòn xưa thì cứ nhè mấy ông bà Việt kiều từng sống và làm việc ở Sài Gòn trước 1975 chỉ cho.

Nhưng trong một số trường hợp cá biệt khi tìm hiểu về các địa danh của Sài Gòn xưa, có trường hợp người tưởng mình rành cũng rơi vào thế bí. Chúng tôi, được một người trẻ sinh năm 1980 hỏi: “Chú ơi, cháu mới đi qua con đường có tên là Gò Cẩm Đệm, chú có biết ông Gò Cẩm Đệm là ông sống ở thời kỳ nào, có công trạng gì mà sao học lịch sử cháu không hề biết? Chắc là một ông chống Tây, chống Mỹ nào đó hả chú, họ tên gì mà lạ hoắc, chán thật.”

Chùa Đức Lâm trên đường Gò Cẩm Đệm, phía sau ngôi chùa cổ nổi tiếng Giác Lâm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Để khỏi bị coi là dân sống ở đất Sài Gòn hơn nửa đời người mà vẫn còn lơ tơ mơ về tên đường, địa danh, chúng tôi hỏi thăm để đến đường Gò Cẩm Đệm với tâm trạng hoài nghi, làm gì có người Việt nào mang họ Gò, nhưng lúc đến tận nơi thì mới biết đúng là có con đường mang tên Gò Cẩm Đệm.

Đường Gò Cẩm Đệm thuộc phường 10, quận Tân Bình, là một con đường nhỏ chỉ dài hơn năm trăm mét. Đầu đường nối với đường Lạc Long Quân, cuối đường nối với đường Trần Văn Quang. Thật sự đây là một trong ít con đường của Sài Gòn thoát được vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn kinh khủng.

Chiếm gần hết một phần ba phía bên phải con đường là vách tường rào của chùa Giác Lâm, ngôi chùa cổ được xếp hạng Di Tích Văn Hóa Cấp Quốc Gia. Phía bên trái đường là trường trung học tư Bác Ái, nhà trẻ, một công viên nhỏ, nhà phố cùng với một ngôi chùa khác có tên là chùa Đức Lâm, chùa còn nguyên kiến trúc Sài Gòn trước 1975.

Trở lại với tên đường Gò Cẩm Đệm. Thật ra đây là một địa danh nơi người tứ xứ đến định cư đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định, chớ không phải tên họ của ông bà anh hùng, lãnh tụ mới toanh nào.

Theo Sơn Nam, tác giả “Bến Nghé xưa”: “Ở Sài Gòn muốn tìm hiểu những nơi có người định cư lập làng sớm nhất cứ đến đất giồng, đất gò, đất cù lao, ngã ba sông rạch. Ta có giồng Ông Tố, gò Cẩm Đệm (Phú Thọ), Gò Vấp”

Công viên nhỏ nằm trên con đường nhỏ Gò Cẩm Đệm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Gò Cẩm Đệm còn là một địa danh gắn liền với ngôi cổ tự nổi tiếng Giác Lâm. Ngôi chùa được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia này được xây vào mùa Xuân năm Giáp Tý (1744), thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có tên là Cẩm Đệm vì cư sĩ Thụy Long có tên riêng là Cẩm, chuyên nghề đan đệm bán, người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm.

Danh sĩ Trịnh Hoài Đức trong quyển “Gia Định Thành Thông Chí” đã miêu tả cảnh chùa và không gian dân cư sinh sống ở Gò Cẩm Đệm lúc bấy giờ như sau: “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú! Bích ba dặm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh.”

Sài Gòn ngày nay đã thay đổi đến mức biến dạng, nhưng nếu phải so sánh với các khu dân cư mới cao cấp hay trung cấp đang mọc lên như nấm sau mưa ở khắp bốn phương tám hướng của Sài Gòn, thì không gian sống của cư dân quanh đường Gò Cẩm Đệm chưa bị phá nát hay chưa bị hành hạ bởi các vấn nạn đô thị vô phương cứu chữa.

Đi trên đường Gò Cẩm Đệm dù trong ngày làm việc hay ngày nghỉ, trong không gian cây xanh cổ thụ chưa bị đốn hạ từ hai ngôi chùa, từ công viên và không bị tiếng ồn xe cộ hàng quán hành hạ, bất giác những ai có ký ức về không gian và nhịp sống Sài Gòn xưa đều như được nhận lại cảm giác thảnh thơi và nhịp sống văn minh đã mất. (Trần Tiến Dũng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT