Friday, April 26, 2024

Sài Gòn phong tỏa thêm 2 tuần, lập ‘khu cách ly F0’ khắp nơi

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Với tình hình hiện nay, sau ngày 1 Tháng Tám, thành phố cần một đến hai tuần nữa để thực hiện giải pháp chống dịch theo ‘Chỉ Thị 12’ của Ủy Ban Nhân Dân thành phố.”

Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi, phó bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, nói tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống COVID-19, mà thành phố này đang tập trung tiến hành vào chiều 28 Tháng Bảy.

Ông Phan Văn Mãi, phó bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, loan báo thành phố sẽ tiếp tục bị phong tỏa thêm 15 ngày. (Hình: Mạnh Tùng/VNExpress)

Theo báo Tuổi Trẻ, trước đó hôm 22 Tháng Bảy, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy, đã ký “Chỉ Thị 12” nhằm siết chặt việc giãn cách theo “Chỉ Thị 16” của thủ tướng CSVN và tăng cường một số biện pháp cấp bách để kiềm chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19.

Theo chỉ thị này, thành phố yêu cầu “thực hiện nghiêm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; quy định cách ly, phong tỏa.”

Thành phố cũng tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; ngành ngân hàng, chứng khoán hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết; chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động.

Theo ông Mãi, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của thành phố “là công tác điều trị.” Thành phố tiếp tục nhận F0 vào các khu tập trung ở các quận, huyện.

Ông Mãi cho biết theo thống kê, khoảng 70% đến 80% ca F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, nếu cách ly tất cả ở những cơ sở tập trung sẽ gây quá tải lớn.

Ngoài ra, từ 20% đến 30% ca F0 hiện cần được can thiệp y tế, trong đó nhiều ca trở nặng. Vì vậy, các bệnh viện tuyến quận, huyện sẽ được chia đôi để vừa điều trị ca COVID-19 và chăm sóc bệnh nhân khác.

“Với hơn 70,000 ca F0, thành phố chuyển hướng sang điều trị. Những ca bệnh nặng, có bệnh nền, tiếp nhận ở các bệnh viện để chăm sóc, điều trị. Những ca F0 ở nhà hay ở các cơ sở thu dung sẽ được hướng dẫn, chăm sóc sức khoẻ online,” báo VNExpress dẫn lời ông Mãi cho biết.

Để có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân, nhiều quận, huyện ở Sài Gòn đang gấp rút lấy sân vận động, nhà thi đấu, trường học làm nơi cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, giảm quá tải cho các bệnh viện điều trị tuyến trên.

Nói với báo VNExpress, Bác Sĩ Hoàng Đức Quyền, phó giám đốc bệnh viện Phú Nhuận, cho biết: “Những ca F0 đưa vào đây để khi trở nặng sẽ được xử trí cấp cứu tại chỗ trong thời gian chờ đưa tới các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19.”

Trong khi đó theo Bác Sĩ Đỗ Thái Bình, trưởng Phòng Y Tế huyện Nhà Bè, việc sử dụng các trường học sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị cho địa phương vì “cơ sở vật chất sẵn có.” Các phòng học nằm trên tầng cao, nhiều cửa sổ, thông thoáng giúp việc điều trị bệnh nhân COVID-19 thuận lợi.

“Về cơ bản, nơi cách ly F0 không quy định khắt khe giống ca F1, như cần nhiều nhà vệ sinh riêng biệt để tránh lây chéo vì họ đều là bệnh nhân,” Bác Sĩ Bình nói.

Khu cách ly, điều trị F0 với 400 giường tại Trung Tâm Triển Lãm quận Tân Bình, chiều 28 Tháng Bảy. (Hình: Đình Sự/Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên, khó khăn chính trong cách ly F0 tại Sài Gòn hiện nay chính là thiếu nhân lực và thiết bị y tế. Theo quy định điều trị COVID-19, một bác sĩ và hai điều dưỡng phụ trách từ 50 đến 100 giường, tức khu cách ly ở huyện Nhà Bè với 500 giường cần tối thiểu 15 bác sĩ, điều dưỡng mới có thể vận hành, túc trực 24/24.

“Đơn vị giờ không đủ người trong khi quy định về thiết bị hỗ trợ hô hấp và oxy tại khu cách ly F0 chưa chi tiết, nên chưa thể trang bị máy móc,” Bác Sĩ Bình cho biết thêm.

Sài Gòn đã trải qua 20 ngày phong tỏa theo “Chỉ Thị 16,” bốn ngày “giới nghiêm” cấm người dân không ra khỏi nhà sau từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau mỗi ngày. Hiện, ngành y tế thành phố đã ghi nhận hơn 77,189 ca COVID-19 trong đợt dịch thứ tư. (Tr.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT