Friday, April 26, 2024

Sài Gòn truy tìm thiết bị X-quang nghi gây bức xạ khiến 4 người bị thương

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Công an và các cơ quan hữu trách ở Sài Gòn được yêu cầu “truy tìm thiết bị X-quang” nghi gây bức xạ  khiến bốn người bị thương.

Theo báo VNExpress, động thái này được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đưa ra hôm 23 Tháng Hai, sau khi Sở Khoa Học Công Nghệ phúc trình về một số trường hợp bị viêm loét phần đùi nghiêm trọng nghi do bức xạ.

Vết thương ở đùi một bệnh nhân do bắn tia X cường độ cao để “thử” máy. (Hình: Thanh Niên)

Cụ thể, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đã chỉ đạo Công An Thành Phố “xác minh tính xác thực thông tin của bệnh nhân qua nội dung cung cấp của bệnh viện quốc tế Minh Anh (quận Bình Tân) và Sở Khoa Học Công Nghệ. Cử lực lượng phối hợp với Sở Khoa Học tìm kiếm các bệnh nhân, truy tìm thiết bị đã gây ra bức xạ nêu trên và xử lý theo quy định pháp luật.”

Bên cạnh đó, Sở Y Tế “khẩn trương đánh giá tình trạng bệnh và hỗ trợ điều trị đối với các bệnh nhân bị ảnh hưởng do bức xạ sau khi tìm được các bệnh nhân này. Đồng thời tăng cường phối hợp với Sở Khoa Học tham mưu cho ủy ban điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng phó với bức xạ ở thành phố. Trong đó tập trung phương án điều trị bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bức xạ.”

Sài Gòn cũng chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan “xử lý các hành vi hoạt động quảng cáo, mua bán các thiết bị bức xạ và có liên quan bức xạ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng quy định pháp luật, Trong đó lưu ý các hoạt động thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến ở Sài Gòn.”

Theo báo Thanh Niên, trước đó hồi Tháng Mười Một, 2020, ba người đã đến bệnh viện quốc tế Minh Anh trong tình trạng như trên, được giải phẫut xoay vạt da để làm lành vết thương. Ngoài ra, còn có một người bị thương tương tự nhưng nhờ tư vấn qua điện thoại.

Các bệnh nhân khai rằng họ là “kỹ thuật viên sửa máy X-quang.” Do trung bình mỗi tháng họ phải bắn từ 2,000 tới 3,000 lần tia X vào đùi “để thử máy” kéo dài liên tục trong thời gian dài nên gây ra vết thương.

Thế nhưng, qua điều tra Sở Khoa Học, Sở Y Tế và Công An Thành Phố xác định “các bệnh nhân này không phải thợ sửa máy X-quang mà là tài xế, người chơi tài xỉu mua máy X-quang (không phải thiết bị X-quang chẩn đoán y tế) về chơi bạc bịp. Sau khi chơi thua, họ đã vứt các thiết bị này vào thùng rác.”

Các bệnh nhân đã khai báo địa chỉ “ma” không đúng. Thiết bị mà họ sử dụng được nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ, công dụng chức năng.

“Dù cơ quan hữu trách vận động, thuyết phục nhưng những người này từ chối đến làm việc trực tiếp. Vì vậy, Sở Khoa Học đề nghị Ủy Ban Thành Phố chỉ đạo công an xác minh tính xác thực thông tin mà các bệnh nhân cung cấp, đồng thời cử lực lượng phối hợp tìm kiếm họ, truy tìm thiết bị đã gây ra bức xạ,” văn bản nêu.

Nói với báo Thanh Niên, Kỹ Sư Nguyễn Tấn Châu, trưởng đơn vị An Toàn Bức Xạ, bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thông thường các kỹ thuật viên sửa máy đều được nhà sản xuất tập huấn và có chứng chỉ về “an toàn bức xạ,” thì mới được phép làm việc với thiết bị bức xạ. Và cũng “chưa thấy ai lấy thân mình ra test máy X- quang.

“Một kỹ thuật viên muốn test máy thì chỉ cần chụp máy laptop và thấy được bản mạch điện tử bên trong là tốt rồi!,” Kỹ Sư Châu cho biết.

Một máy chụp X-quang đã hết hạn vẫn được sử dụng tại một phòng y tế tư nhân ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, Sài Gòn. (Hình: Trần Ngọc/Pháp Luật TP.HCM)

Trong điều kiện được giám sát chặt chẽ, ứng dụng y khoa của tia X được xem là an toàn, với liều lượng tia nằm trong khoảng cho phép. Trong xạ trị với liều lượng tia cao, các tác dụng phụ “cần được theo dõi để phát hiện và điều chỉnh, trị liệu phù hợp.”

Các trường hợp tiếp xúc với nguồn phóng xạ liều cao khá nguy hiểm, trong thời gian dài có tác động trực tiếp lên sự phát triển và nhân đôi của tế bào, có thể gây ra các tác hại nặng nề, bao gồm: tăng nguy cơ ung thư, nôn mửa, chảy máu, rụng lông tóc, tổn thương da và mô mềm tại chỗ, loét mạn tính không lành. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT